(HNM) - Bỏ hàng chục nghìn tỷ đồng chống ngập nhưng chỉ sau một cơn mưa lớn, TP Hồ Chí Minh đã ngập sâu trên diện rộng. Hiệu quả chống ngập trong nhiều năm qua của TP Hồ Chí Minh đến đâu? Đây là điều mà người dân thành phố bức xúc, cần làm rõ.
Cống nhỏ?
Cơn mưa lớn vào chiều tối 15-9 vừa qua đã khiến TP Hồ Chí Minh ngập sâu trên diện rộng. Nhiều tuyến đường khu vực nội lẫn ngoại thành biến thành sông, hàng triệu phương tiện giao thông kẹt cứng trong giờ tan tầm, hàng nghìn ngôi nhà "chìm" trong nước, thiệt hại lớn về tài sản. Trước những bức xúc này, ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước (Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh) đã phải "đăng đàn" giải thích. Theo ông Đỗ Tấn Long, do hệ thống cống nội đô hiện hữu của thành phố chỉ có công suất thoát nước với lượng mưa khoảng 86mm và kéo dài tối đa 3 giờ, trong khi cơn mưa lớn chiều tối 15-9 có vũ lượng lên tới 142mm và kéo dài hơn 3 giờ nên hệ thống cống không kịp thoát nước.
Trong khi đó, theo các chuyên gia, trước đây, TP Hồ Chí Minh thoát nước mưa chủ yếu bằng cách cho thấm xuống đất, nhưng nay gần như không còn do mật độ bê tông hóa gần như 100% trong khu vực nội thành, khiến nước mưa không thể thấm xuống đất. Bên cạnh đó, mạch nước ngầm bị nén lại do khai thác tràn lan khiến nền đất thành phố bị lún so với trước đây cũng là nguyên nhân khiến thành phố ngập sâu hơn.
Cơn mưa lớn ngày 15-9 khiến 12/24 quận, huyện của TP Hồ Chí Minh bị úng ngập. |
Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh, cơn mưa lớn chiều tối 15-9 là cơn mưa lớn nhất kể từ năm 2008 đến nay đã khiến 12/24 quận, huyện của thành phố bị ngập trực tiếp, trong đó có những quận trung tâm với mật độ đô thị cao như Quận 1, Quận 5, Quận 6, Bình Thạnh, Tân Bình... Hàng loạt tuyến đường bị ngập sâu, có nơi ngập tới 0,5m như Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), Lương Định Của (Quận 2), Kinh Dương Vương (Quận 6), Trần Hưng Đạo (Quận 5), Kha Vạn Cân (Thủ Đức)...
Trong khi đó, hàng nghìn nhà dân khu vực quận Bình Tân, Quận 5, Quận 6, Quận 8... cũng bị ngập nặng, khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn. Bên cạnh ngập do mưa, TP Hồ Chí Minh cũng đang chịu áp lực ngập do triều cường. Ông Đỗ Tấn Long cho biết, ngay trong cơn mưa vừa qua, đồng thời triều cường đang lên cao (1,4m đo tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn) cũng là nguyên nhân khiến toàn bộ hệ thống thoát nước của thành phố bị quá tải.
Tiền chống ngập "bỏ biển"
Có thể thấy, cơn mưa lớn vào chiều tối 15-9 vừa qua đã "vạch trần" hiệu quả chống ngập của TP Hồ Chí Minh. Trong những năm qua, thành phố đã đầu tư hàng tỷ USD để chống ngập. Cụ thể, hàng loạt công trình chống ngập đã và đang được thực hiện như dự án Vệ sinh môi trường nước lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, chống ngập cho các quận 1, 3, 10, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình và Gò Vấp với tổng vốn đầu tư cả hai giai đoạn lên tới 650 triệu USD; dự án Cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Kênh Đôi - Tẻ giai đoạn 2 (đang triển khai) nhằm chống ngập cho các quận 4, 5, 6, 7, 8, 11 và huyện Bình Chánh với tổng vốn đầu tư lên tới hơn 11.280 tỷ đồng. Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu các đơn vị liên quan gấp rút hoàn thành giai đoạn 1 dự án Cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm (vốn đầu tư 167 triệu USD) trước ngày 30-4 vừa qua nhằm giảm ngập cho các quận 6, 11, Tân Phú và Tân Bình.
Với nguồn tiền "khủng" mà TP Hồ Chí Minh đã đầu tư cho công tác chống ngập và chỉnh trang đô thị như trên khiến hàng triệu người dân thành phố - những người đang phải trực tiếp chống chọi với ngập lụt - đặt câu hỏi: Hiệu quả chống ngập của TP Hồ Chí Minh tới đâu khi đồng tiền này do chính tiền thuế mà họ phải đóng? Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Phan Chánh Dưỡng, nguyên thành viên Nhóm tư vấn kinh tế cho Thủ tướng - chuyên gia gắn bó với TP Hồ Chí Minh trong công cuộc đổi mới kinh tế từ những năm 80, 90 của thế kỷ trước - cho rằng, dù huy động, vay mượn cả kinh phí lớn nhưng công tác chống ngập của TP Hồ Chí Minh vẫn theo kiểu chắp vá. Và, "nếu như TP Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục chống ngập theo kiểu chắp vá nữa thì không bao giờ giải quyết dứt điểm tình trạng ngập", ông Phan Chánh Dưỡng nhấn mạnh.
Theo ông Phan Chánh Dưỡng, để chống ngập hiệu quả, TP Hồ Chí Minh phải có bài toán căn cơ hơn. Hệ thống cống giữ vai trò thoát nước chính nhưng phải có công suất lớn, đồng thời hệ thống cống này phải thông hơi tốt bởi khi nước vào cống, hơi trong cống phải thoát được ra ngoài, nếu hơi bị nghẹt, nước cũng sẽ bị tắc theo. Bên cạnh đó, hệ thống cống phải được thiết kế phù hợp, có tuyến cống chính, tuyến cống phụ và kết nối với nhau một cách liên hoàn. Ngoài ra, thành phố phải khai thông hệ thống kênh rạch đảm nhiệm vai trò tiêu thoát nước cùng hệ thống hồ chứa điều tiết nước phải được cải tạo và xây dựng mới. Để làm được điều này, vai trò của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh là chưa đủ mà cần sự vào cuộc, phối hợp của cả hệ thống sở, ban, ngành liên quan, đặc biệt là công tác quy hoạch, quản lý xây dựng và phát triển đô thị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.