Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiệu quả bước đầu đáng ghi nhận

Hiền Chi| 16/04/2013 06:03

(HNM) - Hiện nhiều đơn vị đang tích cực thực hiện cơ chế

Nơi giải quyết thủ tục hành chính của UBND huyện Từ Liêm. Ảnh: Khánh Nguyên


Chủ động đầu tư cơ sở vật chất

Từ Liêm là một trong những huyện tiêu biểu của TP Hà Nội tổ chức thực hiện có hiệu quả hoạt động của bộ phận "một cửa" thuộc UBND huyện. Theo quy định của Chính phủ, bộ phận "một cửa" cấp huyện có diện tích tối thiểu 80m2, song do lượng giao dịch tại đây quá lớn, UBND huyện đã quyết tâm đầu tư xây dựng bộ phận "một cửa" rộng rãi, khang trang, với diện tích lên tới 300m2, bố trí đầy đủ trang thiết bị hiện đại như máy xếp hàng tự động, kiốt tra cứu thông tin, camera, hệ thống công khai TTHC… Không dừng lại ở đó, UBND huyện Từ Liêm đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn khảo sát trụ sở làm việc của 16 xã, thị trấn. Lãnh đạo Phòng Nội vụ huyện Từ Liêm cho biết, nhiều nơi bố trí chưa hài hòa vị trí và diện tích bộ phận "một cửa" nên huyện đã hướng dẫn bố trí, sắp xếp lại các phòng làm việc theo đúng quy định; đồng thời chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng bổ sung phòng làm việc tại các xã Mễ Trì, Đông Ngạc, Thụy Phương, Đại Mỗ, Thượng Cát và Phú Diễn. Trong năm 2013, huyện Từ Liêm sẽ hoàn thành xây dựng cơ quan điện tử đối với cấp huyện và hai xã làm điểm (Đông Ngạc và thị trấn Cầu Diễn), triển khai ứng dụng "một cửa điện tử" tại 100% các xã, thị trấn trên địa bàn. Dự tính, năm 2013, huyện Từ Liêm sẽ đầu tư 13 tỷ đồng để xây dựng phần mềm cơ quan điện tử cấp huyện, cấp xã.

Còn tại Long Biên, để xây dựng bộ phận "một cửa chuẩn" tại UBND 14 phường, quận đã mời đơn vị tư vấn đến khảo sát thực trạng trên từng địa bàn, sau đó thiết kế mẫu quy trình làm việc phù hợp đặc thù của từng phường, bảo đảm các quy định chung. Theo Chủ tịch UBND quận Long Biên Đỗ Mạnh Hải: "Quận chủ động ngân sách để trang bị đồng bộ bộ phận "một cửa" tại 14 phường cả về cơ sở vật chất cũng như tuyển chọn cán bộ và tổ chức tập huấn về nghiệp vụ, kỹ năng ứng xử. Hiện 14 phường đã vận hành trơn tru "một cửa chuẩn" với nguyên tắc từng bước ứng dụng CNTT vào giải quyết công việc và đơn giản hóa các TTHC, đáp ứng nhu cầu của nhân dân".

Hiệu quả thiết thực

Với quyết tâm CCHC phải mang lại hiệu quả từ những việc cụ thể, nhiều quận, huyện đã có những sáng tạo trong công tác triển khai. Trong khi nhiều thủ tục liên thông còn vướng mắc (do các quy định chưa đầy đủ hoặc chồng chéo) dẫn tới việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm thì các quận, huyện Hoàng Mai, Từ Liêm… đã chủ động ban hành quy chế phối hợp giữa các phòng chuyên môn và các ngành để giải quyết TTHC, tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân. Các quy chế này là căn cứ để xác định trách nhiệm của từng bộ phận, từng cán bộ, công chức có liên quan trong quá trình giải quyết TTHC. Cũng để gỡ rối việc thực hiện TTHC liên thông, huyện Từ Liêm đã ban hành hướng dẫn thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả TTHC của 223 TTHC cấp huyện (130 TTHC theo cơ chế "một cửa", 93 TTHC liên thông) và 129 TTHC cấp xã, thị trấn (trong đó có 68 TTHC liên thông với huyện, 61 TTHC thực hiện theo cơ chế "một cửa"). Từ việc đẩy mạnh thực hiện cơ chế liên thông đối với 24 TTHC thuộc lĩnh vực nhà đất, đến nay, mỗi hồ sơ hành chính thuộc lĩnh vực này đã giảm thời gian giải quyết 2 ngày so với quy định. Do lượng công dân thực hiện TTHC thuộc lĩnh vực tư pháp tương đối lớn (chiếm khoảng 30% hồ sơ hành chính tiếp nhận), huyện Từ Liêm đã bố trí một lãnh đạo và một chuyên viên phòng tư pháp trực ký chứng thực bản sao và bản dịch để trả kết quả ngay cho công dân. Đặc biệt, huyện đã yêu cầu cán bộ tiếp nhận hồ sơ hành chính phải tăng cường đối chiếu bản chính, tiếp nhận bản photo, không yêu cầu công dân đi chứng thực bản sao nên tiết kiệm được thời gian, công sức và tiền của cho tổ chức và công dân. Bên cạnh đó, nhiều quận, huyện như Hoàng Mai, Thạch Thất, Chương Mỹ, Hà Đông, Tây Hồ… tập trung tuyên truyền về CCHC, bố trí cán bộ trực tiếp hướng dẫn giúp người dân bớt lúng túng khi hoàn thiện hồ sơ hành chính.

Kinh nghiệm chung của các đơn vị đã thực hiện có hiệu quả bước đầu là cần có quyết tâm cao, sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc. Việc thực hiện "một cửa", "một cửa liên thông" hiện đại không chờ đợi sự hỗ trợ từ trên mà biết tận dụng điều kiện hiện có, chủ động, sáng tạo các biện pháp mang lại sự thuận lợi cho tổ chức, công dân khi thực hiện TTHC là hướng đi đúng đắn, phù hợp với sự chỉ đạo của Trung ương, góp phần tạo nên chuyển biến tích cực trong công tác CCHC. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả bước đầu đáng ghi nhận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.