(HNM) - Nhà hát Cải lương Hà Nội đã công diễn vở "Kẻ sĩ Thăng Long" tại rạp Hồng Hà, tái hiện nhân cách, đạo đức, tài năng của những kẻ sĩ đất Kinh kì. Vở diễn chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội của sân khấu Thủ đô sẽ "đỏ đèn" liên tục từ nay đến Đại lễ.
Cảnh trong vở “Kẻ sĩ Thăng Long”. |
Chiến công của kẻ sĩ
"Kẻ sĩ Thăng Long" dựa theo kịch bản của nhà văn Nguyễn Khắc Phục, được nghệ sĩ Đức Thịnh chuyển thể cải lương, với sự dàn dựng của đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang. Không chỉ nói về kẻ sĩ với học vấn uyên thâm, văn hay chữ tốt chung chung, vở diễn tập trung thể hiện tính cương trực, ngay thẳng, một lòng trung hiếu với đất nước của những bậc hiền tài đất kinh kỳ. Theo Nguyễn Công Trứ thì từ khi có giang sơn, đất nước đã có "sĩ" rồi, "sĩ" là một tầng lớp trong xã hội, chỉ những người đọc sách, hay là một nghề như câu ca "nhất sĩ nhì nông". "Sĩ" thì nhiều, nhưng không phải người đọc sách nào cũng được coi là kẻ sĩ. Đặc biệt, với tri thức, tài năng, sự cương trực, nhân cách cao thượng, một lòng vì nước của những kẻ sĩ đất kinh kì xưa đã tạo nên một ý niệm "Kẻ sĩ Thăng Long".
"Kẻ sĩ Thăng Long" lấy bối cảnh những năm 1369, khi vị vua thứ 7 của nhà Trần - Trần Dụ Tông mất mà không có người nối ngôi. Hoàng thái hậu đã đưa Dương Nhật Lễ, một công tử thời Trần lên làm vua (nguyên mẹ Nhật Lễ là một đào hát, có mang với một người họ Dương sau đó mới lấy Cung túc vương sinh ra Nhật Lễ). Lên ngai vàng, Nhật Lễ chỉ biết ăn chơi sa đọa, thẳng tay đàn áp, chủ trương xóa bỏ họ Trần. Cả thành Thăng Long chìm trong chết chóc, dân chúng oán hận ngập trời. Trong tình thế đó, những kẻ sĩ đất Thăng Long đã tập hợp người yêu nước lật đổ tên vua tàn ác. Họ mong muốn khơi dậy tinh thần sát Thát, hào khí Đông A của nhà Trần và cuộc nổi dậy vì dân vì nước của họ đã thành công. Đó là đại quan Trần Thặng nhịn nhục chịu các kẻ sĩ nghi ngờ mình để có thể mưu đồ, sắp đặt việc lớn, hay là Khôi Vũ - vị tướng quân dũng mãnh chỉ huy Long Dực cấm quân đã bỏ kinh thành lên miền sơn cước luyện binh chờ nổi dậy; còn nữa nhân cách của cha con quan chép sử Doãn Minh, Doãn Thường ngay thẳng ghi đúng sử sách chứ không chịu uốn lưng, bẻ cong ngòi bút.
Ngọt ngào cải lương đất Bắc
Miền Nam vốn được coi là "thánh địa" của cải lương, song có xem "Kẻ sĩ Thăng Long" mới biết nghệ thuật được lan truyền ra Bắc từ những năm 1930-1934 này vẫn được các nghệ sĩ Hà Nội gìn giữ và phát triển. Suốt hơn hai tiếng đồng hồ diễn xuất, các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Hà Nội đã mang lại cho khán giả nhiều cảm xúc khác nhau. Từ khâm phục nhân cách cha con Doãn Minh, Doãn Thường, khâm phục sự khôn khéo, nhẫn nhịn của quan Trần Thặng, căm hận tên Nhật Lễ tàn ác, xót xa cho mối tình Khôi Vũ - Trinh Nguyên hay hào sảng với giây phút quân dân lật đổ tên vua ác…
Một vở diễn lịch sử thường là bài toán khó cho các sân khấu bởi tính khô khan, lại càng khó hơn với cải lương, loại hình nghệ thuật luôn được coi là "ướt át" của sân khấu Việt. Ở đây, các nghệ sĩ đã khéo đan cài nhiều chi tiết tình cảm, những tâm tư, nỗi lòng của từng nhân vật với bao biến cố trọng đại của đất nước để "mềm" hóa vở diễn. Và giọng ca cải lương thì không kém phần ngọt ngào đằm thắm, đặc biệt là khi tiểu thư Trinh Nguyên cất giọng, khán giả lại vỗ tay nồng nhiệt. Tuy nhiên, những đoạn ca - ngôn ngữ chính của cải lương được khán giả tán thưởng như vậy còn ít.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.