(HNM) - 80 tuổi, được tổ chức mừng thọ và được nhận Bằng mừng thọ do UBND phường cấp sao lại chưa được hưởng trợ cấp xã hội (TCXH) cho người cao tuổi? Tại sao đều cùng trên 80 tuổi mà người này mức hưởng cao hơn gấp đôi người khác, phải chăng có sự phân biệt đối xử?...
Bàn chi trả bảo hiểm xã hội cho người cao tuổi. |
Đây là một số thắc mắc mà Báo Hànộimới nhận được thời gian gần đây từ độc giả liên quan đến chế độ chính sách cho người cao tuổi.
Bà Tạ Ngọc Anh (P105, nhà G1, Khu 7,2ha Vĩnh Phúc, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình) cho biết: Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, bà được tổ chức mừng thọ và nhận Bằng mừng thượng thọ (80 tuổi) do UBND phường cấp. Vui vì được chính quyền, xã hội quan tâm, thăm hỏi động viên, bà Anh mừng lắm. Khi nghe nói những người từ 80 tuổi còn được hưởng "lương" hằng tháng (350.000 đồng/tháng), bà có đến phường hỏi thì được trả lời, bà sinh cuối năm nên phải đến cuối năm mới được lĩnh.
Già cả, năm 2015 đã từng trải qua trận đột quỵ, sức khỏe ngày càng yếu nên với bà Anh, khoản "lương" cho người già hằng tháng như một sự động viên, khích lệ, song chờ lâu vậy cũng khiến bà… nản. Hay trường hợp của ông Nguyễn Văn Vĩnh (huyện Phúc Thọ): Ở xã, ông Vĩnh và ông Đỗ (cùng thôn) đều trên 80 tuổi. Trong khi ông Đỗ được hưởng TCXH hằng tháng là 700.000 đồng thì ông Vĩnh lại chỉ được nhận 350.000 đồng. Ông Vĩnh thắc mắc tại sao lại có hai chế độ?
Đi tìm lời giải thích cho những trường hợp này, chúng tôi đã làm việc với Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội). Bà Dương Tuyết Nhung - Trưởng phòng cho biết: Đây cũng là những thắc mắc mà phòng hay nhận được trong thời gian vừa qua. Theo quy định, người cao tuổi (là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên, không phân biệt nam, nữ) được hưởng TCXH hằng tháng tại Điều 17 Luật Người cao tuổi, gồm hai nhóm đối tượng: Nhóm một là người cao tuổi thuộc hộ gia đình nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ TCXH hằng tháng. Nhóm thứ hai là người từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, TCXH hằng tháng.
Trường hợp bà Tạ Ngọc Anh (quận Ba Đình) thuộc nhóm đối tượng thứ hai, tức là từ đủ 80 tuổi trở lên được hưởng TCXH là 350.000 đồng/tháng. Điều bà Nhung nhấn mạnh theo luật quy định ở đây chính là: "đủ" và "từ đủ". "Từ 80 tuổi và từ đủ 80 tuổi là hoàn toàn khác. Theo luật, đối với nhóm thứ hai, người từ đủ 80 tuổi trở lên mới được hưởng TCXH. Từ đủ 80 tuổi, tức là sẽ được tính chính xác ngày, tháng, năm sinh theo giấy khai sinh hay sổ hộ khẩu. Bà Ngọc Anh sinh ngày 27-11-1936, tính theo năm, năm nay bà 80 tuổi. Nhưng theo giấy khai sinh, phải đến ngày 27-11-2016 bà mới đủ 80 tuổi.
Do đó, cuối năm bà mới được nhận TCXH như trả lời của UBND phường Vĩnh Phúc là hoàn toàn chính xác. Cũng theo bà Nhung, thời gian qua, cũng có trường hợp người cao tuổi (nhóm thứ hai) được hưởng TCXH ngay từ đầu năm do giấy khai sinh chỉ ghi đúng năm sinh. Do không có ngày, tháng nên căn cứ Mục 5, Phần 2 Thông tư 01/2008 (Bộ Tư pháp) thì ngày, tháng sinh đối với trường hợp này sẽ được tính là ngày 1-1.
Còn với trường hợp của ông Vĩnh, ông Đỗ (huyện Phúc Thọ), dù cùng trên 80 tuổi song do các ông thuộc hai nhóm đối tượng khác nhau nên mức hưởng trợ cấp cũng khác nhau. Theo Điều 6, Nghị định 06/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người cao tuổi, trường hợp ông Vĩnh thuộc nhóm hai, được hưởng 350.000 đồng/tháng; còn ông Đỗ thuộc nhóm một được hưởng 700.000 đồng/tháng (áp dụng hệ số 2,0 đối với những người từ đủ 80 tuổi).
Thống kê từ Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho thấy, hiện Hà Nội có hơn 10.000 người cao tuổi đang được hưởng TCXH hằng tháng; trong đó nhóm một có hơn 5.000 người; nhóm hai có hơn 9.500 người. Vùng nông thôn có số người được hưởng TCXH nhiều nhất. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ, chăm lo đến người cao tuổi. Song, để tránh những "nỗi niềm", tâm tư không đáng có, rất cần chính quyền địa phương, ban, ngành liên quan tuyên truyền, giải thích rõ để mọi người hiểu đúng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.