Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiểu biết để tự bảo vệ mình

Đức Trung| 24/03/2010 07:12

(HNM) - Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 1/3 dân số thế giới đã nhiễm lao mỗi năm có khoảng 9 triệu người mắc lao mới và hơn 1,5 triệu người chết do lao, mặc dù căn bệnh này có thể được chữa khỏi trong 6 tháng điều trị bằng thuốc chống lao, chi phí chỉ có 20 USD.

Chăm sóc người bệnh tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Hà Nội.


Một ngày 55 người chết vì lao

Việt Nam hiện đang ở vị trí thứ 12 trong số 22 nước có số bệnh nhân lao mới mắc hằng năm cao nhất thế giới. 44% dân số Việt Nam bị nhiễm lao và tỷ lệ tử vong do lao là 26/100.000 dân. Như vậy, mỗi ngày có gần 400 người mắc bệnh lao, trong số đó 178 người mắc lao phổi ho khạc ra vi khuẩn làm lây nhiễm cho cộng đồng và 55 người chết vì bệnh lao. Tỷ lệ kháng thuốc ở Việt Nam là 32,5%, đây là tỷ lệ khá cao so với các nước trong khu vực. Mặc dù công tác phòng, chống lao đã đạt được nhiều tiến bộ trong những năm qua, nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều việc cần phải làm và kế hoạch chống lao toàn cầu cũng đã được soạn thảo như là một lộ trình hướng tới các mục tiêu phát hiện 70% số người mắc lao, 85% số đó được điều trị khỏi. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tỷ lệ phát hiện chỉ đạt khoảng 44% và tỷ lệ chữa khỏi là 81%.

Còn nhiều cản trở
Nhận định về những nguyên nhân đang cản trở hoạt động phòng chống, dẫn đến tình trạng bệnh lao vẫn chưa được đẩy lùi, TS Lưu Thị Liên, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Hà Nội cho biết, đó chính là sự bùng phát ngày càng mạnh của đại dịch HIV làm gia tăng đáng kể số bệnh nhân lao và nguồn lây nhiễm trong cộng đồng; sự xuất hiện và gia tăng của bệnh lao kháng đa thuốc, bệnh lao siêu kháng thuốc; hệ thống y tế cơ sở tuyến quận, huyện thiếu nhiều cán bộ và cơ sở vật chất cho hoạt động; kinh phí đầu tư cho hoạt động phòng, chống lao còn hạn chế; thực trạng thiếu hiểu biết, mặc cảm của người dân trong cộng đồng về bệnh lao còn phổ biến; sự quan tâm chưa thỏa đáng của chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp đối với hoạt động phòng, chống lao…

Điều này đồng nghĩa với những khó khăn, thách thức, nguy cơ cao lây nhiễm bệnh từ bệnh nhân luôn đặt ra trước mắt các cán bộ y tế làm công tác phòng, chống lao. Mặc dù vậy, với riêng Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Hà Nội, bằng sự nỗ lực cùng lòng nhiệt huyết, các cán bộ y tế ở đây vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trên mặt trận chống lao đầy cam go. Năm 2009, bệnh viện đã khám cho gần 20.000 lượt bệnh nhân (vượt 24,6% kế hoạch) và hơn 3.200 người bệnh được điều trị nội trú (vượt kế hoạch 22,5%). Kết quả điều trị khỏi lao phổi AFB (+) trên toàn thành phố đã đạt tới 91,7%.

Chẩn đoán sớm, hiệu quả điều trị bệnh sẽ cao và hạn chế được tỷ lệ tử vong. Xác định được vấn đề này, nhiều năm qua, bệnh viện rất chú trọng đến việc ứng dụng những kỹ thuật cao, mới. Hiện tại, bệnh viện có một máy nuôi cấy vi khuẩn lao nhanh MGIT trong vòng 7-10 ngày cho kết quả (so với kỹ thuật trước đây phải 2-3 tháng mới cho kết quả). Với ưu thế này, bệnh viện đã phát hiện sớm được nhiều trường hợp bệnh nhân, hạn chế được tình trạng lây nhiễm ra cộng đồng.

Nhận thức để phòng bệnh
Cũng theo TS Lưu Thị Liên, bệnh lao hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu người bệnh được phát hiện sớm và tuân thủ quy trình điều trị của bác sĩ chuyên khoa. Vì thế, để chữa bệnh hiệu quả, người dân khi bị ho khạc kéo dài trên 2 tuần mà điều trị bằng thuốc kháng sinh (không phải thuốc kháng sinh chữa lao) không khỏi, thì phải đến các cơ sở y tế chuyên khoa lao để thăm khám (mạng lưới phòng, chống lao hiện đã phủ kín ở các quận, huyện của Hà Nội); không nên đến những nơi không chuyên, vì điều trị không đúng rất dễ bị kháng thuốc, khi đó việc chữa trị sẽ khó khăn hơn. Từ nhiễm lao đến mắc bệnh lao là một quy trình rất ngắn. Các nghiên cứu mới đây cho thấy, nếu không được chữa trị kịp thời, 1 bệnh nhân lao sẽ lây bệnh cho 10-15 người trong 1 năm. Do đó, mọi người hãy phòng bệnh bằng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý; vệ sinh môi trường sống, nhà ở sạch sẽ. Đừng e ngại, đừng kỳ thị, mọi người hãy cùng nhau đẩy lùi bệnh lao vì sức khỏe của chính mình.

Theo thống kê của WHO, 95% số bệnh nhân lao và 98% số người chết do lao là ở các nước có thu nhập thấp và vừa, trong đó có Việt Nam; 75% số bệnh nhân lao cả nam và nữ đang ở độ tuổi lao động (25-49 tuổi). Mỗi bệnh nhân lao phải mất trung bình 3-4 tháng lao động, làm giảm từ 20% đến 30% thu nhập hằng năm của gia đình. Những gia đình có người chết sớm vì bệnh lao có thể sẽ mất tới 15 năm thu nhập. Tại nhiều nơi trên thế giới, kể cả khi thuốc chống lao được miễn phí, bệnh nhân lao vẫn có thể phải chi tới 30% thu nhập gia đình kiếm được để điều trị bệnh, điều đó khiến họ không hoàn thành được đợt điều trị, làm tăng nguy cơ phát triển của các chủng vi khuẩn lao kháng thuốc.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiểu biết để tự bảo vệ mình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.