(HNM) - Tình nguyện phân luồng, điều tiết giao thông, lại sẵn sàng cứu giúp người bị tai nạn giao thông, anh Nguyễn Sỹ Cường, Xóm 7, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức được nhiều người khâm phục, khen ngợi bởi tinh thần vì cộng đồng.
Căn nhà của vợ chồng anh Cường nằm ngay sát ngã tư Canh. Đó vừa là nơi ở, vừa là cửa hàng bán phở, nguồn thu nhập chính của gia đình anh Cường. Khi được hỏi về thời điểm bắt đầu công việc không công của mình, anh Cường cho biết, khoảng năm 1995 gì đó anh không nhớ rõ lắm, đứng bán hàng cùng vợ, anh cứ thấy không yên vì cảnh tắc đường, người đi lại lộn xộn nên đã tắc lại càng tắc.
Thấy trẻ con đến trường muộn, người đi bán hàng lỡ buổi chợ, anh quyết định bắt tay vào việc phân luồng, điều tiết giao thông tại khu vực ngã tư Canh mỗi khi có nguy cơ tắc đường. Không học qua trường lớp nào về nghiệp vụ giao thông, cũng chẳng có chế độ gì vì tự nguyện làm chứ không được cơ quan chức năng nào phân công nhưng sự có mặt của anh Cường vào giờ cao điểm đã khiến cho ngã tư Canh bớt dần cảnh ùn tắc, người dân đi lại qua đây thuận lợi hơn.
anh Nguyễn Sỹ Cường. |
Lúc đầu làm công việc này, ngay vợ anh cũng chưa đồng tình vì thu nhập của cả gia đình chỉ trông vào quán phở, vậy mà, lúc đầu giờ sáng đông khách thì cũng là lúc anh Cường ra đường. Một mình vợ anh làm không hết việc, phục vụ khách không kịp nên nhiều khách bỏ đi khiến nguồn thu của gia đình giảm. Chị phàn nàn thì anh động viên chị cố gắng, anh làm việc thiện để tích đức, nêu gương cho các con về tinh thần quan tâm, giúp đỡ người khác. Vả lại, khi thấy cảnh tắc đường thì chân tay anh lại bứt rứt lắm, làm sao bán hàng được. Trước lý lẽ của anh, chị đành chịu.
Được vợ chia sẻ nhưng không hẳn đã hết khó khăn. Anh Cường cho biết, người tham gia giao thông có sự hiểu biết thì vui vẻ tuân theo hướng dẫn của anh, nhưng cũng có những lái xe có lời lẽ, hành động phản cảm. Có người còn xuống xe định đánh... May mà bà con xung quanh đó chạy ra can ngăn kịp thời. Dù vậy, thấy sự đóng góp công sức của mình mang lại hiệu quả thiết thực nên anh cứ lặng lẽ tiếp tục làm. Không chỉ hướng dẫn, điều tiết giao thông, anh Cường còn sẵn sàng cứu giúp những người bị tai nạn do say rượu, yếu tay lái, bị va chạm khi tham gia giao thông vào ban đêm.
Sơ cứu vết thương, nếu ai bị thương nặng thì anh yêu cầu người gây tai nạn gọi xe đưa người bị thương vào bệnh viện còn mình báo tin cho gia đình người bị nạn biết. Có lần, người gây tai nạn (làm hỏng xe) phải đền bù 3 triệu đồng. Dù chẳng biết họ ở đâu nhưng anh cũng cho vay tiền. Mấy hôm sau người đó quay lại, trả tiền vay và biếu anh một chút nhưng anh nhất định không nhận. Anh bảo, mình giúp được thì giúp, và giúp bằng cái tâm chứ có tính toán gì đâu. Năm 2012, anh Cường đã được Ban tổ chức Chương trình "Total hiệp sĩ giao thông" trao tặng danh hiệu Hiệp sĩ giao thông.
Bây giờ, ngã tư Canh đã có lực lượng cảnh sát điều tiết giao thông vào giờ cao điểm nhưng những lúc tắc đường, anh Cường vẫn nhiệt tình hỗ trợ. Dường như, tinh thần vì cộng đồng, vì sự an toàn của người đi đường đã ngấm vào máu của "Hiệp sĩ giao thông".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.