Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu: Cần hành động quyết liệt hơn

Thùy Dương| 07/11/2020 07:05

(HNM) - Sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump trình thư lên Liên hợp quốc thông báo rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này tuyên bố việc thực thi Thỏa thuận Paris vẫn không thay đổi. Để đạt được các mục tiêu cải thiện chất lượng môi trường trước tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu theo đúng hiệp định thì cả cộng đồng quốc tế phải có trách nhiệm hành động nhanh chóng và quyết liệt hơn nữa.

Các quốc gia tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đều cam kết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Ngày 4-11, Mỹ đã chính thức rút khỏi Hiệp định Paris. Ngay lập tức, Phát ngôn viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric khẳng định, Liên hợp quốc vẫn sẽ tiếp tục khuyến khích các quốc gia thành viên tích cực tham gia hiệp định này.

Có thể thấy, động lực thực thi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, được thông qua tại Hội nghị Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (tháng 12-2015), đang có dấu hiệu "suy yếu", trước hết xuất phát từ việc Mỹ - quốc gia đứng thứ hai thế giới về lượng khí thải nhà kính - ngừng tham gia hiệp định. Australia - một trong số quốc gia gây ô nhiễm nhất tính theo đầu người - cũng tuyên bố loại bỏ cam kết về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính khỏi dự thảo "Bảo đảm năng lượng quốc gia".

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, cam kết của các quốc gia về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính mới chỉ đạt 15% nỗ lực cần thiết. Để nhiệt độ trái đất ở ngưỡng an toàn (đến giai đoạn 2060-2070 tăng không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp), lượng khí thải CO2 phải giảm 7,6% mỗi năm trong vòng 10 năm tới. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, mục tiêu này dường như không khả thi bởi trong thực tế mức khí thải CO2 tăng dần đều mỗi năm. Hơn bao giờ hết, vấn đề cấp thiết đặt ra là các quốc gia trên thế giới cần thể hiện hơn nữa vai trò trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu để có thể bảo đảm cho tương lai của Hiệp định Paris.

Rõ ràng, với các tác động hiện hữu của biến đổi khí hậu thời gian qua, các quốc gia buộc phải hành động. Năm 2019, thế giới chứng kiến những tác động khủng khiếp của tình trạng ấm lên toàn cầu rõ rệt hơn bao giờ hết: Những đợt nắng nóng bất thường tại châu Âu, những vụ cháy rừng xảy ra ở khắp nơi từ Nam Mỹ tới Australia, những trận lũ lụt lịch sử ở Sri Lanka hay Cộng hòa Dân chủ Congo, mưa tuyết nghiêm trọng, bão trái mùa tại Mỹ… Đây là hồi chuông cảnh báo, rằng thái độ chần chừ, thiếu nghiêm túc trong việc thực thi các cam kết của Hiệp định Paris sẽ dẫn tới những hậu quả thảm khốc.

Mặc dù vậy không thể phủ nhận những nỗ lực chống biến đổi khí hậu đang có sự chuyển biến tích cực trong thời gian qua với sự quyết liệt của cả thế giới. Liên minh châu Âu (EU) mới đây đã có bước tiến đáng kể khi công bố Hiệp ước xanh, đặt mục tiêu giảm 40% lượng khí thải CO2 vào năm 2030 so với mức của năm 1990, và đạt được tính trung hòa các bon vào năm 2050 (tức là lượng khí các bon do con người thải ra cân bằng với lượng hấp thụ khí thải này của các bể chứa các bon tự nhiên hoặc nhân tạo). Trong khi đó, theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới, hiện có 30 quốc gia, vùng lãnh thổ đã áp dụng thuế các bon và 31 quốc gia, vùng lãnh thổ áp dụng hệ thống trao đổi tín chỉ các bon.

Nguy cơ về biến đổi khí hậu sẽ càng trầm trọng nếu các nước lớn, các quốc gia phát triển trên thế giới không có các hành động quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa. Thế nên, trong bối cảnh thế giới đang nỗ lực cùng ứng phó với đại dịch Covid-19 và khủng hoảng biến đổi khí hậu, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi chính phủ các nước chuẩn bị các kế hoạch chống biến đổi khí hậu mới trước khi diễn ra hội nghị biến đổi khí hậu Liên hợp quốc năm 2021 nhằm xây dựng một tương lai an toàn và bền vững hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu: Cần hành động quyết liệt hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.