Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiện tượng bất thường

Thanh Mai| 07/07/2012 07:02

(HNM) - Lần đầu tiên sau 3 năm trở lại đây, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 đã rơi xuống mức âm 0,26%. Như vậy, CPI 6 tháng đầu năm chỉ tăng 2,52% so với tháng 12-2011. Câu hỏi đặt ra là phải chăng nền kinh tế đã rơi vào giảm phát, sản xuất đình trệ?


Theo Tổ Điều hành thị trường trong nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 6 tăng 0,51% so với tháng trước, nhưng mức tăng chủ yếu ở ngành khách sạn, nhà hàng do đang vào mùa du lịch. Riêng lĩnh vực thương nghiệp (lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất) vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong tiêu thụ nên chỉ tăng 0,42%. Như vậy, tổng mức bán lẻ 6 tháng đầu năm tăng 19,88% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó nhóm hàng thương nghiệp có mức tăng thấp nhất (19,3%). Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ 6 tháng đầu năm chỉ tăng 6,8%, đây là mức tăng thấp trong nhiều năm. Điều đó cho thấy, sức mua thực trên thị trường dù đã nhích dần lên qua từng tháng nhưng vẫn sụt giảm so với nhiều năm trở lại đây.


Lượng hàng tồn kho ở nhiều ngành tiếp tục tăng cao trong tháng 6
như xi măng, thép, giấy, bao bì...

Hiện tượng giảm phát trong tháng 6 là điều khác thường, vì theo quy luật, tháng 3, 4 và 5 mới là những tháng có CPI thấp nhất. Điều này cho thấy tổng cầu và sức mua đều giảm sút. Rõ nhất là tồn kho ở nhiều ngành tiếp tục tăng cao. Tính đến ngày 1-6, tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 26%, tập trung vào các ngành khai thác than, giấy, bao bì, chế biến sản phẩm rau quả, sản phẩm plastic, phân bón, xi măng, thép…

Tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, doanh số bán hàng tại các siêu thị, trung tâm thương mại giảm tới 50%. Bên cạnh đó, lượng tồn kho các mặt hàng sản xuất tiêu dùng, phục vụ cho sản xuất đã tăng đến 30% - 40%. Tại Đà Nẵng, tiêu thụ hàng hóa của các DN hết sức khó khăn, mức độ tiêu dùng giảm 20% - 30%.

Mặc dù hiện nay, lãi suất huy động đang có xu hướng giảm xuống 9%/năm, lãi suất đối với các khoản vay ngắn hạn cho một số lĩnh vực ưu tiên xuống mức 13%/năm nhưng nhiều DN vẫn chưa thể tiếp cận nguồn vốn vì điều kiện vay không được nới lỏng và điều quan trọng nữa là phải giải quyết hàng tồn kho thì DN mới có thể tiếp tục sản xuất, nếu không rất bế tắc.

Theo phản ánh của Hiệp hội Thép, chính sách cứu DN của Nhà nước đưa ra tương đối đầy đủ nhưng vấn đề là chính sách ấy chưa tới được DN. Như Nghị quyết 13 cho phép giảm, dãn thuế thu nhập DN nhưng hiện nay phần lớn DN thép, xi măng đều lỗ thì lấy gì mà giảm, dãn thuế. Thực tế, biện pháp hiệu quả nhất là giảm thuế giá trị gia tăng để giảm giá, kích cầu, giải phóng hàng tồn kho.

Kích thích sức mua

Để giải quyết bế tắc nêu trên, nhất là giải quyết vốn vay cho DN, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị: Nhà nước nên hình thành quỹ cho vay tiêu dùng đối với người có thu nhập trung bình để mua nhà ở. Điều này, trước hết là "phá băng" thị trường bất động sản (BĐS), vì hiện nay người mua đang kỳ vọng giá BĐS giảm nhưng nhà đầu cơ lại mong giá BĐS phục hồi. Nếu cho vay mua nhà với lãi suất ưu đãi trong thời gian dài sẽ khuyến khích nhu cầu thực tế. Giải quyết được thị trường BĐS sẽ kéo theo 50 thị trường khác được vực lên.

Hiệp hội các nhà bán lẻ cũng cho rằng, thời gian này phải có biện pháp kích thích sức mua. Việc thành lập quỹ cho vay tiêu dùng là biện pháp mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng, tuy nhiên chỉ không giới hạn trong việc mua nhà mà có thể cho vay mua nhiều mặt hàng tiêu dùng khác.

Quan trọng nhất trong giai đoạn này là xử lý nợ xấu bằng cách mua nợ cho DN tiếp tục được vay vốn. Nếu không, DN sẽ không có lối thoát. Nhưng điều vướng mắc ở đây là Công ty Mua bán nợ nằm ở Bộ Tài chính hay ở Ngân hàng Nhà nước. Nếu công ty này thực sự hoạt động theo quy chế chặt chẽ về định giá lại các khoản nợ thì mới mong DN thoát khỏi nợ xấu và tiếp tục được vay vốn ngân hàng.

Theo phân tích của nhiều chuyên gia kinh tế, các yếu tố tác động làm hạn chế tăng giá hàng hóa vẫn chiếm ưu thế như giá nhiên liệu liên tục giảm trên thị trường thế giới; lãi suất ngân hàng tiếp tục giảm; nguồn cung hàng hóa lương thực, thực phẩm dồi dào, vì thế CPI tháng 7 có thể không tăng.

Cả nước hiện có khoảng 600.000 DN nhỏ và vừa, chiếm 97% tổng số DN của Việt Nam. DN nhỏ và vừa đang tạo ra việc làm cho hơn 50% tổng số lao động của nền kinh tế, làm ra khoảng từ 45% đến 51% sản lượng hàng hóa tiêu dùng và hàng hóa xuất khẩu. Tuy nhiên, theo thống kê sơ bộ thì 100% DN đang gặp khó khăn, trong đó 40% DN bị đình trệ sản xuất. Sức tiêu dùng giảm, nợ xấu DN tăng, tiếp cận nguồn vốn vay khó khăn, hàng tồn kho nhiều… đã tạo nên một tình trạng rất xấu cho DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiện tượng bất thường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.