(HNM) - ĐKVĐ châu Phi Ai Cập đang trên đường bảo vệ ngôi vô địch châu lục. Nếu điều đó thành hiện thực thì đây sẽ là lần thứ ba liên tiếp Ai Cập vô địch CAN và là lần thứ bảy đội tuyển này vô địch châu Phi...
Niềm vui của các cầu thủ Ai Cập sau khi chiến thắng Cameroon.
Ở CAN 2010, Ai Cập là đội thi đấu ấn tượng nhất. Đây là đội tuyển duy nhất thắng cả 3 trận vòng bảng, sau đó vượt qua đối thủ Cameroon với tỷ số 3-1 ở tứ kết sau khi bị dẫn 1-0. Ở vòng bảng, Ai Cập đã vượt qua Nigeria (lọt vào bán kết sau khi thắng Zambia ở loạt sút luân lưu với tỷ số 5-4) với kịch bản tương tự. Bờ Biển Ngà và Cameroon đã bị loại. Nếu xét trên lý thuyết và thực tế, hiện Ai Cập là đội có nhiều hy vọng đăng quang nhất. Tuy nhiên, trước khi giải đấu này diễn ra, Ai Cập chỉ được xếp thứ năm trong số ứng cử viên của ngôi vô địch.
Ai Cập là "ông trùm" của châu Phi nhưng khi nói về bóng đá "lục địa đen", người ta biết nhiều về Bờ Biển Ngà, Nigeria, Cameroon, Mali, Ghana hay cả Togo hơn, bởi các quốc gia này sản sinh những ngôi sao sáng như Drogba, Kanu, Essien, Eto'o, Adebayor, M.Diarra, Kanoute…Còn với tiền đạo Aboutrika, gương mặt nổi nhất của Ai Cập hiện nay, dù đã ở tuổi 31 nhưng vẫn chưa được CLB châu Âu nào "nhòm ngó". Nói đến Ai Cập, thế giới biết nhiều về Kim tự tháp, Pharaoh, sa mạc Sahara, sông Nile hơn là về bóng đá.
Tại CAN 2010, Aboutrika và một loạt cầu thủ khác của Ai Cập như Amr Zaki, Mido không dự giải vì nhiều lý do khác nhau. Dù vậy, Ai Cập vẫn thi đấu rất thành công nhờ lối chơi đồng đội và sự ổn định. HLV Shehata (dẫn dắt Ai Cập vô địch CAN 2006 và 2008) tiếp tục là vị thuyền trưởng tài ba chèo lái con tàu Ai Cập đến bến vinh quang. Ông chú trọng tính tập thể hơn sự chói sáng cá nhân và kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm kỷ luật (vì lý do này mà Mido không được dự CAN 2010).
Ai Cập là "ông trùm" ở châu lục nhưng mới chỉ 2 lần lọt vào vòng chung kết World Cup (1934, 1938). Ở vòng loại World Cup 2010, Ai Cập thua Algeria ở giai đoạn play-off. Algeria cũng như nhiều đội tuyển khác ở châu Phi có nhiều tuyển thủ đang chơi bóng ở nước ngoài nên tính gắn bó ở đội tuyển không thể bằng Ai Cập với đa số tuyển thủ thi đấu trong nước mà nòng cốt là các cầu thủ của Al Ahly.
Ai Cập thành công tại đấu trường châu lục cả ở cấp độ CLB lẫn ĐTQG vì các quốc gia hùng mạnh khác tại châu Phi có định hướng phát triển khác. Bờ Biển Ngà, Cameroon, Ghana hoặc Nigeria mới chính là những đội mạnh nhất châu Phi hiện nay nếu xét về thực lực. Các đội tuyển kể trên khó thành công tại VCK CAN vì đa số cầu thủ thi đấu ở châu Âu. Hệ quả là nhiều danh thủ hoặc không thi đấu hết sức (nhằm tránh chấn thương) hoặc viện lý do nào đó không dự VCK CAN. Thêm vào đó, giải đấu này diễn ra vào đầu năm trùng với giai đoạn quyết liệt của các giải VĐQG châu Âu cũng như Champions League nên rất khó hội tụ những anh tài của lục địa đen.
Ngày càng có nhiều cầu thủ châu Phi chơi bóng và thành công ở Premiership, Serie A, La Liga, Ligue 1, Bundesliga thì Ai Cập sẽ càng có nhiều cơ hội tiếp tục thống trị bóng đá châu Phi mà CAN 2010 là ví dụ. Tại bán kết, Ai Cập sẽ gặp Algeria, cơ hội đòi lại món nợ ở vòng loại World Cup 2010 đã đến. Algeria bị đánh giá thấp nhất trong số 4 đội vào bán kết, cặp bán kết còn lại diễn ra giữa Nigeria và Ghana. Thời cơ vàng đang đến với Ai Cập!