(HNM) - Thời gian qua, công tác cải cách thủ tục hành chính đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận theo hướng đơn giản, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm hiện thực hóa mục tiêu phục vụ doanh nghiệp.
Ngay từ đầu năm 2018, Chính phủ đã đôn đốc các bộ, ngành chủ động vào cuộc, với tinh thần quyết tâm trong thực thi nhiệm vụ; tiếp tục nâng cao chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh, phục vụ doanh nghiệp. Theo đó, Bộ Tài chính đã đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 188 điều kiện kinh doanh - tức chiếm hơn một nửa trong tổng số 370 điều kiện kinh doanh hiện hành. Bộ Công Thương cũng vừa công bố việc cắt giảm tiếp 54 thủ tục hành chính thuộc 10 lĩnh vực liên quan đến năng lượng, tiêu chuẩn đo lường, an toàn thực phẩm (trước đó đã cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh)...
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, không chỉ là đơn thuần thực hiện đơn giản hóa, cắt giảm những thủ tục bất hợp lý, quan trọng hơn là phải thường xuyên rà soát, đánh giá kết quả của công tác cải cách hành chính xem hiệu quả đến đâu, cần bổ sung, điều chỉnh ra sao đối với doanh nghiệp... Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu các đơn vị chức năng nghiên cứu, lập phương án, lộ trình cắt giảm ít nhất 50% điều kiện kinh doanh trình Chính phủ trước ngày 30-6-2018...
Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, mặc dù còn phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa; đặc biệt là bảo đảm chất lượng công tác cải cách hành chính, nhưng việc hình thành một cuộc đua trong cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh để phục vụ doanh nghiệp là thực tế đáng ghi nhận.
Trong khi đó, Tổng cục Thống kê vừa công bố, cả nước đã có 41.295 doanh nghiệp dân doanh đăng ký thành lập trong 4 tháng qua, với tổng vốn đăng ký 412 nghìn tỷ đồng, tăng 4,3% về số doanh nghiệp và tăng 11,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Bình quân vốn mỗi doanh nghiệp đạt 10 tỷ đồng, tăng 6,8%. Đây là con số khả quan, thể hiện sự bứt phá trong hoạt động thu hút nguồn vốn trong dân; hơn nữa là niềm tin vào tương lai kinh doanh đang trong xu hướng gia tăng.
Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố, một trong những rào cản lớn hiện nay là sự liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp còn lỏng lẻo, thiếu bền vững. Hiện chỉ hơn 20% doanh nghiệp Việt Nam có đủ khả năng tham gia vào chuỗi giá trị liên kết khu vực, trong khi ở Malaysia là 46% và Thái Lan 30%. Các doanh nghiệp rất cần được hỗ trợ về thông tin thị trường, nhất là thị hiếu và nhu cầu của từng thị trường cụ thể đối với đơn vị làm hàng xuất khẩu kết hợp với việc được cảnh báo, tư vấn để giải quyết các tranh chấp thương mại.
Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện để phát huy vai trò giám sát của cộng đồng cũng như để kịp thời nắm bắt tình hình, giải quyết những khúc mắc nảy sinh. Trong đó phải rà soát, kiên quyết không để tái diễn hiện tượng ban hành “giấy phép con”. Cơ quan quản lý cần kiên trì mục tiêu tiết giảm tối đa các chi phí cho doanh nghiệp, từ khi gia nhập đến lúc rút lui khỏi thị trường.
Bên cạnh đó, cần xác định đầy đủ tầm quan trọng, quy mô nhắm đến mục tiêu đáp ứng tốt thị trường trong nước. Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, các đơn vị cần nhận thức đúng vai trò “hậu phương” của thị trường trong nước, từ đó chủ động liên kết, hợp tác nhằm nâng cao giá trị sản xuất cũng như đẩy mạnh quá trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, cần xác định thị trường Việt Nam với khoảng 90 triệu người tiêu dùng là rất lớn, có tác dụng phối hợp, “chia lửa” với thị trường ngoài nước.
Nhà nước tiếp tục làm tốt vai trò kiến tạo môi trường đầu tư - kinh doanh theo hướng tiến bộ; bám sát những chuẩn mực quốc tế và thường xuyên cải thiện chất lượng để thật sự là chỗ dựa của cộng đồng doanh nghiệp. Ngoài ra, công tác ban hành quy định pháp luật, giám sát và thực thi tốt cần xem là biện pháp duy trì thường xuyên để bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch với mục tiêu chú trọng bảo vệ đơn vị làm ăn chân chính.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.