(HNM) - Trong suốt 30 năm qua, kể từ khi Hà Nội xác định hướng phát triển thành phố ven sông, nhiều người dân Thủ đô đã mơ về thành phố hai bên bờ sông Hồng. Thực tế, đã có nhiều ý tưởng đề xuất các dự án phát triển hạ tầng hai bên bờ sông Hồng, song cho đến nay các dự án này vẫn dang dở do nhiều vấn đề còn vướng mắc. Với quyết tâm không để lãng phí các nguồn lực, Hà Nội đang đẩy nhanh việc quy hoạch để có thể sớm hiện thực hóa khát vọng thành phố bên sông...
Giấc mơ "sông giữa thành phố"
Với tổng chiều dài khoảng 130km chảy qua nhiều quận, huyện, thị xã của Thủ đô, từ bao đời nay, sông Hồng có vai trò quan trọng và gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội. Tuy nhiên, lâu nay khu vực ngoài bãi sông Hồng chưa có quy hoạch sử dụng đất được cấp thẩm quyền phê duyệt nên nguồn lực đất đai, cũng như việc khai thác, thúc đẩy các dự án phát triển hai bên bờ sông vẫn chưa được “đánh thức”.
Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long, nếu thực hiện được quy hoạch hai bên bờ sông Hồng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Hà Nội. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi đất đai trong nội đô đang dần trở nên khan hiếm, thì quỹ đất dọc hai bờ sông Hồng có thể giúp thành phố tận dụng để phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, nhà ở, chung cư phục vụ cho vấn đề an sinh xã hội.
Thực tế, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, trong suốt hơn 30 năm qua, kể từ khi Hà Nội xác định định hướng phát triển thành phố ven sông, đã có nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước “đánh tiếng”, góp vốn đầu tư nghiên cứu quá trình trị thủy, từ đó đề xuất các dự án phát triển hạ tầng ở hai bên bờ sông Hồng. Điển hình như Dự án trấn sông Hồng (nhà đầu tư Singapore đề xuất năm 1996); Dự án HAIDEP nằm trong Chương trình phát triển tổng thể Thủ đô Hà Nội giữa Việt Nam - Nhật Bản (năm 2004); Dự án thành phố bên sông, giữa Hà Nội - Seoul (Hàn Quốc) ký thỏa thuận hợp tác quy hoạch, cải tạo và phát triển hai bên bờ sông Hồng, đoạn qua Hà Nội (năm 2006)... Tuy nhiên, các ý tưởng đề xuất đều chưa thể trở thành hiện thực bởi vướng vấn đề trị thủy, thoát lũ.
Thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, từ năm 2012 Hà Nội đã đẩy mạnh lập, phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu đô thị. Theo ông Lã Hồng Sơn, Phó Trưởng phòng Quy hoạch - Kiến trúc II, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, đến nay thành phố đã phê duyệt 27/35 đồ án Quy hoạch phân khu (đạt 77%), còn 8 đồ án chưa được phê duyệt (trong đó có 6 đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử và 2 đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống).
Là đơn vị được thành phố giao nhiệm vụ lập Quy hoạch phân khu sông Hồng, ông Hoàng Long, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch - Kiến trúc 1 (Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội) cho hay, đơn vị đã hoàn thành xong đồ án Quy hoạch phân khu sông Hồng (năm 2017); Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng đã thẩm định. Song, quy hoạch đến nay chưa được phê duyệt bởi theo quy định của pháp luật về quy hoạch cần có quy hoạch vùng (Chính phủ phê duyệt) và quy hoạch phòng chống lũ cho sông Hồng, quy hoạch tuyến đê có sông trên địa bàn Hà Nội. Hiện, quy hoạch này vẫn "mắc" tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Cần lắm "kỳ tích sông Hồng"
Chia sẻ về đồ án Quy hoạch phân khu sông Hồng, ông Hoàng Long cho hay, quy mô nghiên cứu khoảng 11.000ha, nằm trọn trong khu vực đô thị trung tâm, giới hạn bởi hai đầu tuyến Vành đai 4 từ cầu Hồng Hà (nối hai huyện Đan Phượng - Mê Linh) đến cầu Mễ Sở (nối hai huyện Thường Tín, Hà Nội - Văn Giang, tỉnh Hưng Yên). Phân khu này chiếm khoảng 30% chiều dài sông qua Hà Nội, đi qua địa bàn 13 quận, huyện; 58 phường, xã. Yêu cầu của nghiên cứu quy hoạch dọc hai bên sông Hồng là phải vừa bảo đảm phòng chống lũ, nghiên cứu phương án quy hoạch tuyến đường dọc hai bên sông kết hợp làm đê ngăn lũ; vừa tạo lập một đô thị hiện đại, khai thác hiệu quả cũng như tạo quỹ đất cho thành phố để tạo nguồn lực quy hoạch; ưu tiên tái định cư tại chỗ; phát triển giao thông vận tải và du lịch đường sông...
Với mong muốn thúc đẩy phê duyệt Quy hoạch phân khu sông Hồng, "đánh thức" nguồn tài nguyên bãi ven sông, tại buổi làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 8-7-2020, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho hay, do chưa có Quy hoạch phân khu sông Hồng nên hiện nhiều nguồn lực bị lãng phí. Việc cần thiết của Hà Nội là hoàn thiện nốt các quy hoạch phân khu, trong đó có quy hoạch hai bên bờ sông Hồng. Vì thế, thành phố đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp, thẩm định để trình Thủ tướng phê duyệt, tạo điều kiện cho thành phố triển khai. Nếu được Bộ ủy quyền cho thành phố thực hiện quy hoạch tuyến đê có sông đoạn đi qua Hà Nội, "giấc mơ" về một thành phố ven sông của Hà Nội sẽ có thể đi vào hiện thực.
Theo Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy, quy hoạch càng sớm được phê duyệt thì việc quản lý trật tự xây dựng, kêu gọi các nhà đầu tư càng dễ dàng. Theo đó, không chỉ hiện thực hóa "giấc mơ" về thành phố hai bờ sông Hồng mà còn giải quyết được những bức bối của người dân sống khu vực ngoài đê bởi quy hoạch mãi nằm trên giấy.
50-60 năm trước đây, người Hàn Quốc từng mơ giấc mơ sông Hàn và họ đã tạo được “Kỳ tích sông Hàn”. Với sông Hồng, không chỉ chính quyền, mà người dân Thủ đô cũng vẫn luôn mơ về một thành phố bên sông. Trước lợi ích kinh tế từ hai bên bờ sông Hồng đem lại, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho rằng, nếu Hà Nội quyết tâm làm và kêu gọi đầu tư, chắc chắn không thiếu doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ đồng hành.
Nhìn ra thế giới với bài học kinh nghiệm từ phát triển tổng hợp khu vực sông Hàn (Seoul, Hàn Quốc), sông Seine (Paris, Pháp), sông Tiền Đường (Hàng Châu, Trung Quốc),... TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm tin tưởng rằng, phát triển khu vực hai bên sông Hồng rất cần thiết và sẽ tạo nên động lực mới cho phát triển Thủ đô. Đặc biệt, với quỹ dự án, ý tưởng đề xuất phong phú đã có, các dự án hoàn toàn có thể “sống” dậy một khi Quy hoạch phân khu sông Hồng được duyệt. Để hiện thực hóa “giấc mơ sông Hồng”, Hà Nội sẽ còn phải đi tiếp chặng đường dài, song hy vọng về tương lai đẹp đẽ của thành phố bên sông vẫn luôn là mong ước của nhiều người dân Thủ đô...
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011), định hướng chính của khu vực dọc hai bên sông Hồng là bảo đảm hành lang, tuyến thoát lũ; xây dựng hệ thống công viên cây xanh cảnh quan, công trình văn hóa, vui chơi giải trí, dịch vụ du lịch; tạo trục không gian văn hóa cảnh quan sinh thái Hồ Tây - Cổ Loa; xây dựng các tuyến đường cảnh quan.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.