(HNM) - Hội thảo quốc tế "Việt Nam - châu Phi: Hợp tác cùng phát triển bền vững", do Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan phối hợp tổ chức trong 2 ngày (17 và 18-8), đã để lại ấn tượng tốt đẹp với bè bạn quốc tế.
Thành công của hội thảo Việt Nam - châu Phi lần thứ hai này không chỉ dừng lại ở việc thúc đẩy quan hệ hợp tác, mà trên hết là sự khẳng định nhất quán chính sách đối ngoại của Nhà nước ta: cùng với thúc đẩy quan hệ với các đối tác lớn, quốc gia láng giềng, Việt Nam luôn củng cố, thắt chặt các mối quan hệ truyền thống.
Một quyết tâm được cụ thể hóa
Nếu như hội thảo lần thứ nhất (năm 2003) được xem là sự khởi đầu một giai đoạn mới trong hợp tác giữa Việt Nam và các nước châu Phi thì hội thảo này, các bên đã đi thẳng vào vấn đề, cùng suy nghĩ, tìm kiếm các biện pháp mới, hiệu quả hơn để hướng tới sự hợp tác phát triển bền vững. Trong hai ngày diễn ra hội thảo, gần 400 đại biểu của 46 đoàn, các phiên toàn thể và phiên chuyên đề đã tham dự. Hơn 70 tham luận đã đưa ra không ít vấn đề. Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu cũng đã chứng kiến lễ ký Hiệp định hợp tác kinh tế - văn hóa - khoa học công nghệ giữa Việt Nam với Seychelles và Hiệp định hợp tác kinh tế - văn hóa - khoa học công nghệ giữa Việt Nam với Togo. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp của hai nước Burkina Faso và Benin.
Vượt nửa vòng trái đất, có mặt ở Việt Nam, tận mắt chứng kiến những thành tựu của Việt Nam, các đại biểu quốc tế đều bày tỏ mong muốn thắt chặt hơn nữa quan hệ hai bên. Như Bộ trưởng Ngoại giao Togo, ngài Ohin Ahlin Elliot đã khẳng định: "Việt Nam đã giúp đỡ rất nhiều các nước châu Phi và trong khuôn khổ Nam - Nam thì mối quan hệ hợp tác này là vô cùng có lợi. Thời điểm này đã càng củng cố, thắt chặt thêm sự hợp tác ấy". Chính điều đó đã là một minh chứng cụ thể hóa quyết tâm của Chính phủ Việt Nam muốn đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế với các nước châu Phi theo hướng thiết thực, hiệu quả, vì lợi ích chung của cả hai nước.
Trải dài cơ hội hợp tác
Đại diện các đoàn khách quốc tế nhất trí cho rằng việc tổ chức diễn đàn này phù hợp và đúng thời điểm, nhất là trong bối cảnh hậu khủng hoảng kinh tế thế giới. Đánh giá cao tính xây dựng, cởi mở, thẳng thắn trong các phiên họp chuyên đề cũng như tính hiệu quả của các khuyến nghị được đưa ra, các đại biểu coi đó là cơ sở để nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác giữa hai bên trong giai đoạn tiếp theo.
Thời gian qua, sau hội thảo quốc tế Việt Nam - châu Phi lần thứ nhất, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, hợp tác lao động, giáo dục và y tế đã có những phát triển mạnh mẽ hơn. Kim ngạch thương mại giữa hai bên trong giai đoạn 2004-2009 đã tăng từ 577 triệu USD lên 2,7 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng bình quân là 45%/năm. Doanh nghiệp Việt Nam đã đăng ký đầu tư 13 dự án tại 7 nước châu Phi với số vốn đăng ký là 775 triệu USD. Nhiều đoàn châu Phi đã đến Việt Nam khảo sát, học hỏi kinh nghiệm phát triển nông nghiệp, đổi mới, cải cách tài chính, ngân hàng. Tính đến nay, Việt Nam đã có hàng nghìn chuyên gia, lao động đang làm việc tại các nước châu Phi trong lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp. Hợp tác văn hóa, thể thao, du lịch giữa Việt Nam và các nước châu Phi có nhiều bước tiến tích cực với những trao đổi trong lĩnh vực nghệ thuật, điện ảnh; các tuần lễ văn hóa, ẩm thực cũng đã được tổ chức thành công.
Cũng từ hội thảo, nhiều đại biểu trong nước và quốc tế đã chỉ ra những hạn chế còn tồn tại như dịch vụ vận chuyển, hậu cần còn hạn chế, việc thanh toán rườm rà, còn nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian, cộng thêm vào đó, sự thiếu hiểu biết về phong tục, tập quán của nhau đang là rào cản cho tăng trưởng quan hệ kinh tế, thương mại giữa các bên. Các đại biểu đã đề xuất thẳng thắn, đề nghị chính phủ từng quốc gia xem xét, điều chỉnh nâng cấp cơ sở hạ tầng, đổi mới, cải cách hệ thống tài chính, thanh toán theo chuẩn mực quốc tế…
Vượt qua khoảng cách về địa lý, văn hóa, ngôn ngữ, sự nỗ lực liên tục, không mệt mỏi của hai bên đã và đang mang lại nhiều giá trị. Như Thứ trưởng Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng nhấn mạnh tại cuộc gặp gỡ báo chí sau hội thảo, hai bên sẽ phấn đấu đưa quan hệ ngoại giao tốt đẹp vào khuôn khổ ổn định lâu dài, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động đầu tư, thương mại, đẩy mạnh quan hệ đối tác trong nông nghiệp, xây dựng các mô hình liên doanh, liên kết trong các lĩnh vực như thăm dò khai thác dầu khí. Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách khu vực châu Phi, ông Cheick Sidi Diara, nhận xét: Hội thảo quốc tế Việt Nam - châu Phi này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nỗ lực toàn cầu trong việc đạt được các mục tiêu phát triển đã được quốc tế thông qua trong Mục tiêu Thiên niên kỷ. Cơ chế của diễn đàn này là "rất phù hợp, cho phép củng cố hơn nữa mối quan hệ giữa Việt Nam và châu Phi, phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc về tăng cường hợp tác quốc tế".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.