Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiến tặng, sưu tầm và giới thiệu hiện vật cho Bảo tàng Hà Nội

Vân An| 28/01/2010 16:43

(HNMO) - Nhằm bảo vệ và phát huy các di sản lịch sử, văn hoá và tự nhiên của Thủ đô Hà Nội, chiều 28/1, UBND Thành phố Hà Nội, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP. Hà Nội đã phát động cuộc vận động hiến, tặng, sưu tầm và giới thiệu hiện vật cho Bảo tàng Hà Nội.


Đây là cuộc vận động có ý nghĩa chính trị xã hội rộng lớn, hướng đến sự tham gia của toàn thể cán bộ, nhân dân Thủ đô Hà Nội, người dân trong nước và ở nước ngoài cũng như bạn bè quốc tế nhằm bảo vệ và phát huy các di sản lịch sử, văn hoá của Thủ đô Hà Nội.

Những kỷ vật, di vật, các tư liệu lịch sử được sưu tầm sẽ góp phần quan trọng vào công tác nghiên cứu lịch sử, giữ gìn bản sắc văn hoá và giáo dục cho các thế hệ nhân dân Thủ đô nói riêng, người Việt Nam nói chung, đặc biệt là thế hệ trẻ, tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tại lễ phát động, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP. Hà Nội Phạm Quang Long đã đọc thư của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo kêu gọi việc hiến tặng, sưu tầm và giới thiệu hiện vật cho Bảo tàng Hà Nội. Trong thư, Chủ tịch UBND Thành phố gợi nhắc truyền thống văn hiến của Thăng Long - Hà Nội được lưu giữ trong rất nhiều những hiện vật, di tích, di vật, tài liệu... về con người, tự nhiên và xã hội. Chủ tịch khẳng định, những kỷ vật, di vật, các tư liệu lịch sử được sưu tầm sẽ được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Hà Nội và kêu gọi toàn thể nhân dân Thủ đô Hà Nội, nhân dân cả nước, kiều bào ở nước ngoài cũng như bạn bè quốc tế tích cực hưởng ứng và tham gia cuộc vận động bằng những hành động thiết thực, cụ thể để đến ngày khai mạc Bảo tàng, sẽ có nhiều hiện vật quý giá được trưng bày ở Bảo tàng Thủ đô.

Hưởng ứng cuộc vận động, ngay tại lễ phát động, nhiều cá nhân, tổ chức đã hiến tặng cổ vật, di vật, kỷ vật cho Bảo tàng Hà Nội. Đáng chú ý trong số này có những kỷ vật của Anh hùng liệt sỹ Đặng Thùy Trâm do gia đình liệt sỹ trao tặng; hàng trăm cổ vật, di vật về Thăng Long- Hà Nội do các cá nhân và tập thể thuộc CLB sưu tầm và bảo vệ cổ vật xứ Đoài, CLB Unesco Việt Nam, Hội nghiên cứu gốm và cổ vật Thăng Long, CLB cổ vật Thăng Long-Hà Nội, Tạp chí Xưa và nay... hiến tặng. Với những cá nhân, tập thể ấy, mỗi kỷ vật, di vật, cổ vật được họ hiến tặng cho Bảo tàng đều rất có giá trị, ý nghĩa và họ không giấu giếm sự "xót xa" khi phải lìa xa những đồ vật ấy. Tuy nhiên, vượt lên sự "xót xa" kia chính là niềm tự hào được góp sức vào việc làm giàu thêm các giá trị văn hóa truyền thống cho Thăng Long - Hà Nội, giúp người dân Thủ đô, người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế hiểu hơn, yêu hơn vùng đất nghìn năm văn hiến này.

Bà Đoàn Ngọc Trâm, mẹ Anh hùng liệt sỹ Đặng Thùy Trâm đã xúc động trao cho Bảo tàng những kỷ vật thiêng liêng về người con gái thân yêu của gia đình, nữ anh hùng của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bà chia sẻ: "Những kỷ vật nhỏ bé còn sót lại của Đặng Thùy Trâm với gia đình tôi là rất quý, rất thiêng liêng bởi nó là hiện thân cho Đặng Thùy Trâm. Gia đình chúng tôi hiến tặng cho Bảo tàng bởi chúng tôi tin rằng, những kỷ vật ấy sẽ được gìn giữ tốt hơn và góp phần giúp thế hệ trẻ hôm nay hiểu hơn về cuộc chiến tranh gian khổ, ác liệt của các thế hệ thanh niên đi trước".


Những chiếc trống đồng được các cá nhân hiến tặng cho Bảo tàng Hà Nội
Ảnh: Việt Chiến


Cuộc vận động hiến tặng, sưu tầm và giới thiệu hiện vật cho Bảo tàng Hà Nội là một cuộc vận động mở cho tất cả mọi người, những ai tâm huyết, yêu và gắn bó với Hà Nội. Bởi các tài liệu, hiện vật được hiến, tặng, sưu tầm và giới thiệu rất đa dạng, gồm các mẫu vật tự nhiên, hiện vật thể khối, tài liệu chữ viết, phim ảnh, băng đĩa, ghi âm, ghi hình…. liên quan tới lịch sử tự nhiên, lịch sử xã hội của Thủ đô Hà Nội từ khi khởi dựng cho tới ngày nay. Đó có thể là các mẫu đất đỏ, động thực vật liên quan đến lịch sử tự nhiên của Hà Nội; các cổ vật, di vật qua các thời kỳ lịch sử; các văn bản liên quan đến lịch sử ra đời của làng nghề, phố nghề, văn bản mang tính pháp quy công nhận làng nghề, vinh danh nghệ nhân; các hình ảnh, băng, đĩa hình về hoạt động của các làng nghề, phố nghề (sản xuất, trao đổi, buôn bán, quảng bá, giới thiệu sản phẩm…), các hiện vật là công cụ dùng để tạo ra sản phẩm, các vật liệu dùng để chế tác sản phẩm và sản phẩm thô và sản phẩm hoàn chỉnh.

Tài liệu, hiện vật sưu tầm cho Bảo tàng Hà Nội còn là những đồ dùng sinh hoạt của người dân, những tài liệu, hình ảnh, hiện vật liên quan đến nền giáo dục xưa và thành quả đạt được của nền giáo dục ngày nay; những tài liệu, hiện vật thể hiện nếp sống văn hóa của người Hà Nội thanh lịch, các danh nhân, tác phẩm của người Hà Nội và phong tục tập quán của đất Hà Thành...

Về truyền thống chống ngoại xâm của Thăng Long – Hà Nội, đó là những hiện vật, tài liệu thể hiện Trận chiến thắng ở Cầu Giấy năm 1837 và 1882, Phong trào Đông Kinh nghĩa thục, Vụ “Hà thành đầu độc, Tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân Hà Nội, Phong trào cách mạng của nhân dân Hà Nội (tham gia kháng chiến, nuôi giấu cán bộ, in ấn tài liệu cách mạng, sản xuất vũ khí…), Cách mạng tháng Tám năm 1945 (tài liệu, truyền đơn liên quan đến giành chính quyền ở Hà Nội; Vũ khí thô sơ, vũ khí tự tạo; Báo chí, ấn phẩm; ảnh Giành chính quyền ở Hà Nội…), Chiến dịch mùa đông năm 1946 và giải phóng Thủ đô 1954 (Hà Nội “60 ngày đêm khói lửa”, ảnh giải phóng Thủ đô, mừng chiến thắng…), Hà Nội trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ (Trận chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”; Những kỷ vật, tài liệu, hình ảnh liên quan đến các cơ quan Đảng, Chính phủ rời Thủ đô lên Việt Bắc, rời Thủ đô đi sơ tán trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước…; Tội ác của đế quốc Mỹ đối với người dân Hà Nội; Nhân dân Hà Nội vừa sản xuất, vừa đánh trả đế quốc Mỹ…; Những phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng thưởng cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, anh hùng LLVTND, Bà mẹ VNAH về thành tích chiến đấu, phục vụ chiến đấu gồm: Các loại huân, huy chương, huy hiệu, kỷ niệm chương kèm theo bằng và giấy chứng nhận khen thưởng, cờ các loại…).

Về Hà Nội trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển, đó là hiện vật, tài liệu về Hà Nội thời bao cấp; những thành tựu Hà Nội đạt được trong công cuộc đổi mới thể hiện trên các lĩnh vực: kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế, quốc phòng; đời sống sinh hoạt của người dân Hà Nội qua các thời kỳ….

Các hiện vật hiến tặng có thể được gửi về Bảo tàng Hà Nội, số 5D Hàm Long, TP Hà Nội. Điện thoại: 048.38263982 và 04 39430398; Bảo tàng Hà Nội cơ sở 2, số 2 Ngô Thị Nhậm, Quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội. Điện thoại: 04.33824713; hoặc tại các bảo tàng trên cả nước. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiến tặng, sưu tầm và giới thiệu hiện vật cho Bảo tàng Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.