Hồ Tây là danh thắng của Thủ đô Hà Nội. Thế nhưng, đầu tháng 10 năm 2016, người dân đã chứng kiến cảnh cá chết trắng mặt hồ.
Cá chết trắng mặt hồ Tây. |
Xung quanh hồ Tây đã mọc lên nhiều khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng. Các chất thải chế biến thực phẩm ngâm trong nguồn hóa chất độc hại, cộng với chất thải đồng hóa, dị hóa của con người nơi đây đều thải xuống hồ Tây?
Nước thải từ bệnh viện, phòng khám cũng đều trút xuống hồ Tây?
Các làng quanh hồ Tây như: Thụy Khuê (Thụy Chương), Hồ Khẩu, Đông Xã, Yên Thái, Võng Thị, Trích Sài, Nghi Tàm, Quảng Bá, Quảng An, Yên Phụ… dân số phát triển lên đến vài chục vạn người cộng với du khách vãng lai là nguồn “cung cấp” rác thải khổng lồ. Đặc biệt, chất thải từ nguồn nước sinh hoạt và nguồn nước từ hàng nghìn, hàng vạn hố xí tự hoại, tất cả từ mọi ngõ ngách đều “trút xuống hồ Tây”...
Các nguồn phế thải, ô nhiễm trên hết năm này qua năm khác trút xuống hồ Tây, tích tụ tạo thành bể chứa khí mê tan khổng lồ. Từ đó, biến hồ Tây thành “ao tù”. Trong các nguồn nước thải, ô nhiễm ấy chứa rất nhiều các tạp chất độc hại, khi nó bị vi khuẩn hóa sẽ giải phóng thành nhiều chất độc hại bao phủ toàn bộ bề mặt tầng nước cá không còn ô xy để thở.
Khi đó, loại khí mê tan, khí sunfurơ, lưu huỳnh, phốt pho tăng lên đến nồng độ đậm đặc phủ kín tầng ô xy trong nước khiến cá tôm không còn khả năng sống sót. Đặc biệt, các kim loại nặng như: chì, thủy ngân, măng gan, sắt, kẽm sẽ là những nguyên tố khi quá nồng độ cho phép cũng gây nên cái chết cho cá.
Một lý do hết sức quan trọng nữa là ở môi trường ô nhiễm bị tích lũy tạp chất gây thối qua thời gian lâu dài sẽ phát sinh loại vi khuẩn kỵ khí (còn gọi là vi khuẩn yếm khí). Loại vi khuẩn này cực nguy hiểm với các loài cá. Khi bị lây nhiễm loại vi khuẩn này, cá lây lan và chết rất nhanh. Cá mất hoàn toàn khả năng hô hấp vì thiếu ô xy.
Từ sự cố cá hồ Tây chết, tôi đề nghị với thành phố Hà Nội những giải pháp sau:
1. Đề nghị Nhà nước, đầu tư kinh phí hoặc có thể kết hợp xã hội hóa, dùng hàng trăm máy bơm (công suất lớn) thay nước hồ Tây, và nhân đó, sửa chữa kè bờ, nạo vét bùn, chỉnh trang lại toàn bộ cảnh quan.
2. Dùng hóa chất (trong nội dung khoa học cho phép) tiêu hủy các chất độc, vi khuẩn có hại và các kim loại còn hòa tan trong nước kết tủa. Sau đó, dùng tàu nạo vét bùn đưa đi nơi khác.
3. Việc dọn bèo Tây là cần thiết nhưng diệt hết sẽ là thảm họa cho hồ Tây. Vì chính bộ rễ của bèo Tây là “Nhà máy lọc nước bẩn, tiêu diệt các tạp khuẩn” làm cho nước hồ trong trở lại. Người ta dùng bèo tấm, bèo ong, bèo hoa dâu… làm trong nước (như ở các nước Israel, Nhật Bản đã làm). Do đó, ta cần để lại một số khu vực bèo Tây có chắn sóng định vị và nuôi các bè cỏ, bè rau lấp hút chất bẩn, tiêu diệt vi khuẩn độc hại.
4. UBND thành phố nên sớm ban hành bộ quy tắc ứng xử hồ Tây như các nước Anh, Pháp, Nga, Đức đã làm đối với các công trình thiên nhiên quý giá của họ; Sớm cho giải thể các con tàu đang khai thác du lịch trên hồ. Nó cũng là một điểm thải chất bẩn, gây ô nhiễm và làm mất mỹ quan của cảnh quan hồ Tây; Kiểm tra thường xuyên các hệ thống cơ quan, xí nghiệp, bệnh viện, khách sạn, nhà hàng, các hộ dân sống quanh hồ Tây về hệ thống tiêu nước thải; Buộc các cá nhân, đơn vị, nhà hàng, khách sạn, bệnh viện… phải có hệ thống xử lý nước thải đủ chuẩn mới được thải xuống hồ Tây.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.