Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiến kế để phát triển nông nghiệp

Minh Phú| 04/01/2017 06:53

(HNM) - Nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 3 thách thức lớn đó là nền sản xuất nhỏ, manh mún; biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Đứng trước thách thức này, việc đưa khoa học, kỹ thuật vào sản xuất là vấn đề sống còn, có tính quyết định. Chiều 3-1, Bộ NN&PTNT đã xin ý kiến các nhà khoa học đóng góp cho việc thực hiện tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Kỹ sư Viện Sinh học nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) nghiên cứu lai tạo giống cây trồng mới.


Tăng đầu tư cho khâu giống và thủy lợi

GS.TS Trần Duy Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác khoa học kỹ thuật Châu Á - Thái Bình Dương cho rằng: Bộ NN&PTNT cần đặc biệt quan tâm đến khâu giống. Hiện nay, Nhà nước đang đầu tư mạnh cho các viện nghiên cứu, tuy nhiên Bộ không nên bỏ qua các nhà khoa học đã nghỉ hưu bởi họ rất tâm huyết với nghiên cứu khoa học và Ngành Nông nghiệp. Nhiều nhà khoa học khẳng định họ có khả năng sản xuất giống lúa chất lượng tốt, năng suất cao 8-9 tấn/ha/vụ; có khả năng chống chọi với thời tiết... nhưng Nhà nước cần có cơ chế đãi ngộ xứng đáng. “Thử khoán gọn cho các nhà khoa học tạo ra giống lúa bảo đảm yêu cầu thì cấp tiền từ A đến Z, nếu không đạt chất lượng trả lại tiền. Như vậy tránh hiện tượng trả bài đút ngăn kéo”, GS Trần Duy Quý gợi ý.

Đối với cây ăn quả, TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam cho rằng: Muốn hiện đại hóa ngành cây ăn quả phải có giống mới. Hạn chế của Việt Nam là các vườn ươm cây giống chưa đạt yêu cầu, người làm vườn chưa có kiến thức trong sản xuất cây sạch bệnh nên phân phối ra thị trường cây giống chưa chuẩn. Vì vậy, thời gian tới, Bộ NN&PTNT cần tập trung đầu tư cho các vườn ươm.

Năm 2017, Bộ NN&PTNT đặt 2 mục tiêu là tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, thích ứng với biến đổi khí hậu trong điều kiện hội nhập; trong đó phấn đấu tăng tốc độ GDP nông, lâm, thủy sản đạt 2,5 - 2,8%; tốc độ tăng giá trị sản xuất của ngành đạt 3-3,2%; kim ngạch xuất khẩu đạt từ 32 đến 32,5 tỷ USD.


Đối với con giống, TS Nguyễn Văn Hảo, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 trăn trở: Con tôm giống hiện vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư bài bản mà chủ yếu nông dân tự làm. Nếu giải quyết tốt con giống thì việc sử dụng thuốc kháng sinh sẽ giảm và tôm của Việt Nam mới xuất khẩu và mang lại lợi nhuận cao cho nông dân.

Liên quan đến lĩnh vực thủy lợi, GS Vũ Trọng Hồng, Hội Thủy lợi Việt Nam đề nghị: Báo cáo đánh giá của Bộ NN&PTNT về biến đổi khí hậu cần phải thực hiện kỹ lưỡng hơn để có biện pháp phòng chống hữu hiệu. Thông thường, vào mùa mưa bão, các tỉnh từ Nghệ An đến Khánh Hòa thiên tai thường nặng nề nhất. Do vậy, đề nghị Bộ khi tái cấu trúc Ngành Thủy lợi cần cắm mốc giới rõ các vùng ảnh hưởng để người dân tránh không sinh sống và đầu tư cho sản xuất, đồng thời khuyến khích các vùng ít bị thiên tai đầu tư phát triển nông nghiệp quy mô lớn. Ví dụ như Hưng Yên là tỉnh hầu như không bao giờ bị bão nên có thể đưa nông nghiệp công nghệ cao vào phát triển sản xuất đại trà.

“Muốn phát triển sản xuất nông nghiệp thì phải có hệ thống thủy lợi tốt. Vừa qua trong xây dựng nông thôn mới khi dồn điền, đổi thửa, xây dựng hạ tầng, hệ thống thủy lợi nhiều địa phương đã bị phá vỡ. Vì vậy, khi triển khai tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, Bộ NN&PTNT cần coi hệ thống thủy lợi là xương sống. Nếu không phòng chống được thiên tai thì thành tựu sẽ bị thiên tai kéo lùi” - GS Vũ Trọng Hồng khẳng định.

Gỡ khó về thị trường

GS.Viện sĩ Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam cho rằng: Nông dân làm ra nông sản nhưng tiêu thụ thế nào còn dựa vào Bộ Công Thương và nhiều bộ khác. Nếu không lưu thông phân phối tốt, không phát triển công nghiệp chế biến thì sản xuất nông nghiệp sẽ cho hiệu quả thấp. Do vậy các bộ, ngành cần triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh khâu quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường giúp các doanh nghiệp và nông dân tiêu thụ sản phẩm. “Nhà nước cần sớm thành lập viện hàn lâm trong lĩnh vực nông nghiệp bởi nếu coi nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế thì phải đầu tư cho nông nghiệp, để hàng nghìn nhà khoa học có điều kiện đóng góp cho sự phát triển” - GS Trần Đình Long nhấn mạnh.

Cũng đồng quan điểm, TS Nguyễn Minh Châu cho biết thêm, khó khăn nhất với cây ăn quả Việt Nam là thị trường tiêu thụ. Ví như cây bơ ở Tây Nguyên chất lượng rất tốt nhưng chưa có hệ thống sơ chế, đóng gói để tiêu thụ nên vào chính vụ có khi phải vứt bỏ cho bò ăn. Nếu tìm được thị trường tốt, hiệu quả kinh tế từ cây ăn quả rất cao, vì vậy khâu lưu thông cần đặc biệt được quan tâm.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trước thách thức biến đổi khí hậu, tái cơ cấu nền nông nghiệp từ dựa vào hộ nhỏ lẻ phải chuyển sang nền sản xuất tập trung, theo chuỗi giá trị hàng hóa. Để thực hiện được điều này không còn con đường nào khác là tập trung vào khoa học - công nghệ. Theo đó, các nhà khoa học, các viện, trường sẽ có vai trò quyết định, đặc biệt là hạt nhân trong liên kết "4 nhà".

“Muốn đưa nhanh những ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, cần tiếp cận phương thức mới và đó là mối liên kết chặt chẽ. Các nhà khoa học không chỉ là khối nhà nước mà cần tận dụng nguồn lực lớn từ các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế khác cùng vào cuộc. Từ đó mới tạo nên trào lưu đầu tư cho khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định. Bên cạnh đó, cần tranh thủ nguồn lực quốc tế kể cả về năng lực khoa học, tiềm lực tài chính cũng như kinh nghiệm. Trên cơ sở đó, xây dựng nền nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu theo hướng hàng hóa, theo hướng hội nhập.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiến kế để phát triển nông nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.