Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiển hiện nguy cơ chạy đua vũ trang

Đình Hiệp| 08/02/2014 06:58

(HNM) - Trái với hình ảnh cỗ xe kinh tế vẫn lăn bánh hết sức ì ạch do những tác động của cuộc khủng hoảng quy mô toàn cầu, các nền kinh tế đầu tàu ở khu vực Đông Bắc Á năm 2013 lại không ngừng tăng chi tiêu cho ngân sách quốc phòng.


Số liệu thống kê mới nhất do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở ở London (Anh) công bố khiến dư luận không khỏi ngạc nhiên khi ba "anh cả" về kinh tế trong khu vực là Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm khoảng 57% mức tăng chi tiêu quốc phòng thực tế của cả Châu Á trong năm 2013.

Các số liệu thống kê mới đây cho thấy, chi tiêu quốc phòng trên danh nghĩa ở Châu Á trong năm 2013 đạt mức 321,8 tỷ USD, tăng 23% so với mức 261,7 tỷ USD của năm 2010. Trong tổng mức tăng chi tiêu quốc phòng của Châu Á, Trung Quốc chiếm tới 46%, Nhật Bản 5,7% và Hàn Quốc 5,2%. Với con số 112,2 tỷ USD, nền kinh tế số 2 thế giới là Trung Quốc chỉ đứng sau Mỹ, hiện đang ở mức "khủng" là 600,4 tỷ USD trong năm 2013 và trên Nga (68,2 tỷ USD). Nhật Bản đứng thứ 7 với 51 tỷ USD, Ấn Độ thứ 9 với 36,3 tỷ USD và Hàn Quốc thứ 11 với 31,8 tỷ USD.

Tranh chấp chủ quyền là một nguyên nhân khiến các nước Đông Bắc Á tăng chi tiêu quốc phòng.



Có nhiều lý do khiến các quốc gia Đông Bắc Á tiếp tục mạnh tay chi tiêu cho ngân sách quốc phòng. Theo nhận định của IISS, căng thẳng không ngừng leo thang ở khu vực do tranh chấp chủ quyền lãnh thổ là nguyên nhân chính khiến Bắc Kinh, Tokyo và Seoul dành khoản ngân sách lớn để trang bị vũ khí. Trong đó, cuộc tranh chấp giữa Nhật Bản với Trung Quốc về chủ quyền lãnh hải biển Hoa Đông cũng như những quan ngại của Tokyo về tham vọng hạt nhân và chương trình tên lửa gây nhiều tranh cãi của Triều Tiên là lý do khiến Nhật Bản tăng chi tiêu cho quốc phòng. Theo đó, khoản tài chính cho quốc phòng này của Nhật Bản sẽ ở mức 4.884 tỷ yên, tăng 131 tỷ yên so với ngân sách ban đầu cho tài khóa hiện nay kéo dài đến hết tháng 3-2014. Đáng lưu ý, đây là năm thứ hai liên tiếp Tokyo thực hiện chủ trương này nhằm tăng cường năng lực giám sát và quốc phòng để đối phó với những tranh chấp mà Nhật Bản xem là rủi ro an ninh trên biển và trên không. Tuy nhiên, báo cáo của IISS còn lưu ý rằng, chi tiêu cho quốc phòng chính thức của Trung Quốc có thể còn lớn hơn số liệu vừa công bố khi tính cả những chi phí trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển. Trong đó, căng thẳng về chủ quyền lãnh hải trong khu vực vẫn là nguyên nhân lý giải cho quyết định này của Trung Quốc. Song, điều khiến các chuyên gia phân tích hết sức quan ngại là việc tăng mạnh chi tiêu cho quốc phòng sẽ ngày càng trở thành một "trào lưu" có thể dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang rầm rộ, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới bảo đảm an ninh cho khu vực cũng như trên thế giới.

Không chỉ Đông Bắc Á - một trong những khu vực được coi là điểm nóng của thế giới - tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng, nhiều chuyên gia phân tích nhận định chi phí quốc phòng toàn cầu trong năm 2014 sẽ tăng trở lại sau 5 năm có chiều hướng giảm, bất chấp tình hình kinh tế còn khó khăn tại nhiều quốc gia. Theo dự báo của một số tổ chức quan sát, trong năm nay tổng chi tiêu quốc phòng của toàn cầu dự kiến đạt 1.547 tỷ USD, tăng 0,6% so với năm 2013. Nguyên nhân chính dẫn đến hành động này là do chi phí quân sự của khu vực Trung Đông, Châu Á, Nga và Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh. Với đà như hiện nay, đến năm 2015, chi phí quốc phòng của Nga và Trung Quốc trong năm 2014 dự kiến sẽ cao hơn tổng chi phí quốc phòng của Liên minh Châu Âu (EU).

Khi tình hình an ninh bất ổn, việc tăng chi tiêu cho quốc phòng như một lựa chọn tất yếu của mỗi quốc gia. Thế nhưng việc các quốc gia Đông Bắc Á đầu tư quá nhiều cho mua sắm vũ khí hiện đại hóa quân đội trong khi tăng trưởng kinh tế vẫn chưa thực sự bền vững sau thời gian dài chìm trong khủng hoảng không phải là xu thế mang lại những lợi ích lâu dài cho sự ổn định và hòa bình tại khu vực cũng như toàn cầu. Chi nhiều tiền hơn nhưng chưa hẳn đã được an toàn hơn, nghịch lý đang diễn ra cho thấy căng thẳng và tranh chấp sẽ chẳng có lợi cho ai và đã trở thành nguy cơ lớn nhất đe dọa đến sự phồn thịnh của khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiển hiện nguy cơ chạy đua vũ trang

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.