(HNM) - Hà Nội hiện được xem là một đại công trường với các tòa nhà cao tầng mọc lên như nấm, vì vậy, việc sử dụng cẩu trục tháp trong thi công là điều không thể thiếu.
Phần lớn những công trình này thi công trên diện tích hẹp, sát cạnh xung quanh là rất nhiều hộ dân. Đã có hàng chục vụ TNLĐ do cần cẩu tháp gây ra. Điển hình là vụ việc đứt cáp cần cẩu ngày 2-7-2010 tại 310 Minh Khai, Hà Nội cướp đi sinh mạng của 3 CNLĐ và 2 người bị thương nặng. Rồi các vụ TNLĐ do cẩu bị đứt cáp tại công trình xây dựng Viện Quy hoạch đô thị nông thôn, trên đường Đại Cồ Việt; vụ sập cẩu tại 214 Thái Hà... và mới đây nhất ngày 22-9-2011 một chiếc cần cẩu đang thi công tại công trình The Lancaster tại phố Núi Trúc bị đứt cáp khiến một người tử vong.
Với những gì nhìn thấy được, một lần nữa khẳng định chất lượng và sự hoạt động của những chiếc cần cẩu này vẫn đang bị buông lỏng. Theo Cục An toàn LĐ (Bộ LĐ-TB&XH) thì quy trình kiểm tra chất lượng các thiết bị thi công tại công trường (trong đó có tháp cần cẩu) là rất nghiêm ngặt với nhiều thủ tục bắt buộc, nhưng một số đơn vị thi công đã cố tình lờ đi không khai báo kiểm định cũng như phớt lờ các quy định về an toàn trong quá trình thi công. Bởi vậy, khi xảy ra TNLĐ các đơn vị thi công thường tự giải quyết và trốn tránh trách nhiệm với các cơ quan chức năng, khi cơ quan chức năng vào cuộc thì mới hoàn thiện các thủ tục. Theo quy định thì nghiêm cấm tải và cần cầu nằm ở phía trên đầu người trong suốt quá trình nâng, hạ và di chuyển tải. Chiểu theo quy định này thì rất nhiều công trình đang thi công trên các tuyến phố của Hà Nội vi phạm.
Hiện nay, cả nước có 10 trung tâm thực hiện chức năng đánh giá, kiểm tra, giám định chất lượng thiết bị thi công thuộc các bộ Xây dựng, Công thương, LĐ-TB&XH và NN&PTNT. Theo ông Lương Xuân Đại - Phó trưởng phòng TNLĐ (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) thì tất cả các cẩu tháp trước khi vận hành thi công phải được kiểm tra hồ sơ kỹ thuật, đối chiếu mô tả trên thực tế, trong đó có kiểm tra thử tải ở các điều kiện động và tĩnh. Nếu đạt yêu cầu thì các cơ quan chức năng mới cấp phép. Sau khi có kết quả kiểm tra giám định, các đơn vị thi công phải gửi hồ sơ, kết quả giám định về Sở LĐ-TB&XH địa phương để đăng ký, đồng thời có báo cáo cụ thể về địa điểm thi công, thời gian thi công và các loại máy móc mà đơn vị sử dụng.
Vừa qua Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đã xây dựng dự thảo quy định về điều kiện sử dụng cẩu tháp như: Tất cả các cẩu tháp phải được đăng ký tại Sở LĐ-TB&XH theo quy định, phải có hồ sơ thiết kế lắp dựng cần cẩu bảo đảm an toàn, đúng với quy định của nhà sản xuất hoặc đơn vị chủ quản chấp nhận và được chủ đầu tư phê duyệt cùng lúc với việc phê duyệt mặt bằng xây dựng; phải mua bảo hiểm cẩu trục tháp theo quy định. Ngoài ra, phải có quy trình kỹ thuật về việc lắp đặt, vận hành, nâng hạ và tháo dỡ. Đặc biệt công nhân vận hành phải được đào tạo (chứng nhận, bằng), phù hợp với loại cẩu đang thao tác và được huấn luyện kỹ thuật về an toàn...
Như vậy, dù muộn còn hơn không khi việc quản lý các cẩu tháp đang bị lơ là. Theo nguyên tắc, các công trình xây dựng có cẩu trục tháp vươn ra ngoài phạm vi công trường xây dựng, đơn vị thi công phải có phương án bảo đảm an toàn cho người dân, đồng thời phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về ATLĐ trong quá trình vận hành. Mặt khác các cơ quan chức năng về ATVSLĐ cần thường xuyên kiểm tra chất lượng các cần cẩu tháp đang thi công, nếu không bảo đảm chất lượng phải xử nghiêm, có thể yêu cầu ngừng thi công để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho tính mạng và tài sản của người thi công cũng như người dân trong khu vực có khả năng bị ảnh hưởng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.