(HNM) - Những năm gần đây, các cuộc tấn công mạng đã trở thành nỗi ám ảnh của lực lượng an ninh và người dân toàn cầu.
Bản đồ các quốc gia (tô đậm) bị ảnh hưởng của vụ tấn công mạng từ ngày 12-5. |
Theo thống kê mới nhất, đến thời điểm này, đã có hơn 200.000 trường hợp bị ảnh hưởng bởi cuộc tấn công sử dụng phần mềm ransomware để tống tiền diễn ra trên quy mô toàn thế giới vào ngày 12-5. Các nạn nhân đã bị khóa máy tính, buộc phải trả tiền chuộc bằng tiền ảo Bitcoin để có thể truy cập lại các tập tin của bản thân. Nếu không, dữ liệu trong máy tính sẽ bị phá hủy hoặc đánh cắp.
Chỉ trong vài giờ, phần mềm độc hại đã phát tán nhanh chóng và hiện đã có mặt ở ít nhất 150 quốc gia, bao gồm Mỹ, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Philippines, Việt Nam... và được cho là lây lan với tốc độ 5 triệu email mỗi giờ. Trong đó, Nga và Ấn Độ là hai nước chịu tác động nặng nề nhất do vẫn sử dụng rộng rãi hệ điều hành Windows XP của Hãng Microsoft, một trong những hệ điều hành được cho là có nguy cơ cao bị tấn công.
Tính đến thời điểm này, số "tiền chuộc" đã lên tới hàng chục nghìn đô la Mỹ. Con số trên sẽ tiếp tục tăng cho đến khi hậu quả cuộc tấn công được khắc phục hoàn toàn. Hiện cơ quan Cảnh sát Châu Âu (Europol) đang phối hợp với các nước là nạn nhân của vụ việc để kiểm soát mối đe dọa và khắc phục hậu quả. Các doanh nghiệp trên toàn thế giới đã phải nâng cấp máy tính để chuẩn bị đối phó với cuộc tấn công mạng mới. Theo một quan chức của Công ty An ninh mạng Claroty (Mỹ), ông Patrick McBride, hiện các vụ tấn công đã ngừng nhưng nó sẽ quay trở lại và thiệt hại ước tính có thể lên tới hàng chục triệu USD.
Cho dù trong những năm gần đây, các vụ tấn công mạng trên toàn cầu đã không còn là một khái niệm xa lạ nhưng đây là lần đầu tiên, một cuộc tấn công có quy mô lớn như vậy được thực hiện. Điều này cho thấy thủ đoạn của các tin tặc không còn nhỏ lẻ như trước mà đã được xây dựng thành hệ thống. Các cuộc tấn công làm tê liệt hệ thống thông tin với động cơ chính trị cũng xuất hiện ngày càng nhiều.
Cảnh sát Pháp đã mô tả cách thức thực hiện vụ tấn công như một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng bởi lẽ ban đầu chỉ cần một thiết bị bị ảnh hưởng, ngay lập tức nó sẽ lan sang tất cả hệ thống được kết nối cùng và làm tê liệt toàn bộ các máy tính. Sự lan truyền ransomware trong vụ tấn công mạng này đã gia tăng thêm bất ổn về an ninh mạng trên toàn thế giới khi chỉ một tuần trước, các tin tặc đã đăng tải hàng loạt tài liệu tranh cử có liên quan đến ông Emmanuel Macron ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu Tổng thống Pháp. Trước đó, các tin tặc cũng đã gây hỗn loạn trang web của một số công ty truyền thông Pháp và Hãng máy bay Airbus.
Trước báo động đỏ về an ninh mạng, ngày 13-5, Bộ trưởng Tài chính của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) họp tại Bari, miền Nam Italia, đã ra tuyên bố nhấn mạnh cam kết tăng cường các biện pháp đối phó với các vụ tấn công, mối đe dọa đang ngày một trở nên nguy hiểm đối với kinh tế toàn cầu. Các lãnh đạo tài chính G7 đồng thời cho rằng việc giải quyết hiểm họa này phải là ưu tiên hàng đầu.
Theo nhiều nhà phân tích, để đối phó với các vấn đề liên quan tới mạng internet, ngoài khả năng tự phòng thủ của mỗi quốc gia, cần chú trọng tới vấn đề hợp tác toàn cầu. Ngoài ra, rất cần một văn kiện mang tính quốc tế về bảo đảm an ninh, an toàn và các cam kết không tấn công lẫn nhau trên không gian mạng dưới bất kỳ hình thức nào.
Cách đây 2 năm, trong khuôn khổ phiên họp "Chiến tranh mạng: Mối đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình và an ninh thế giới" do Đại hội đồng Liên hợp quốc tổ chức, nữ Nghị sĩ Quốc hội Nhật Bản Karen Makishima đã cảnh báo rằng "cuộc chiến trên mạng là cuộc chiến hoàn toàn không đổ máu nhưng có thể gây ra hậu quả chết người". Nhận định này đang dần trở thành hiện thực và ngày càng có nhiều người đồng tình với quan điểm cần một giải pháp toàn diện cho hiểm họa mới này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.