(HNM) - Vụ 11 căn nhà sụp xuống kênh Thanh Đa là một
Những ngôi nhà bị sụp xuống kênh Thanh Đa. |
Hàng trăm ngôi nhà cần di dời khẩn cấp
Vụ sạt lở đêm 24-7 tại bờ kênh Thanh Đa, quận Bình Thạnh là vụ thứ ba từ đầu năm đến nay. "Mở màn" là vụ sạt lở tại ấp 3, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè (trên tuyến rạch Giồng - sông Kinh Lộ) lúc 23h30 ngày 26-6. Khu vực này đã từng bị sạt lở vào tháng 8-2009 và theo Khu Đường sông thì nguy cơ bị sạt lở vẫn rất cao. Tiếp đó, 21h20 ngày 22-7 là sạt lở tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức với chiều dài dọc sông Sài Gòn khoảng 50m và chiều rộng ăn sâu vào đất liền 36m. Đáng chú ý, phần đất sạt lở này đã được xây dựng bờ kè hoàn chỉnh vào tháng 5-2009. Chỉ một tháng sau (tháng 6-2009), phần kè trên bị sạt lở hoàn toàn phần giáp sông Sài Gòn. Chủ đầu tư đã cho san lấp và sửa chữa, nhưng đến ngày 22-7-2010 lại tiếp tục bị sạt.
Các vụ sạt lở trên chỉ là mở đầu "quy luật" hằng năm khi mùa mưa đến. Năm 2009 xảy ra 14 vụ làm 3 căn nhà bị tụt xuống sông, 2 căn sạt lở một phần và 4.048m2 đất bị mất. Năm nay, các vụ sạt lở có vẻ đến chậm hơn mọi năm, nhưng không phải là do công tác phòng, chống sạt lở đã có chuyển biến tích cực, mà chỉ do mùa mưa đến muộn hơn! Theo Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão TP Hồ Chí Minh thì nguy cơ sạt lở năm nay còn cao hơn năm 2009 do đợt hạn gay gắt vào đầu năm làm lượng nước về các hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn giảm đáng kể dẫn đến giảm lưu lượng xả về hạ lưu, góp phần làm gia tăng độ sâu của mực nước chân triều, từ đó gia tăng nguy cơ sạt lở.
Hiện liền kề vị trí 11 ngôi nhà bị sạt lở là 15 căn nhà khác cũng đang treo lơ lửng trên miệng thủy thần với nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào. Hàng trăm ngôi nhà khác cũng đang trong tình trạng phải di dời khẩn cấp, bởi theo Khu Đường sông, hiện có đến 42 vị trí có nguy cơ sạt lở cao với chiều dài tổng cộng hơn 27km. Trong đó huyện Nhà Bè nhiều nhất với 17 vị trí có nguy cơ bị sạt lở 4.862m; huyện Cần Giờ 9 vị trí với 14.650m; Bình Thạnh 8 vị trí với 4.228m; Thủ Đức 6 vị trí với 1.800m… Trong đó, quận Bình Thạnh có mức độ nguy hiểm nhất vì đây là khu vực khu dân cư sinh sống đông, xảy ra sạt lở thì hậu quả rất nghiêm trọng.
Công trình chống sạt lở: Quá chậm!
Ông Trần Văn Giàu, Phó Giám đốc Khu Đường sông cho biết, năm 2009 TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành hai công trình chống sạt lở lớn ở huyện Nhà Bè là kè chống xói lở bờ sông khu vực cầu Phước Long và cầu Rạch Tôm. Có 42 vị trí có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng, nhưng trong năm nay chỉ có hai dự án tiếp tục được khởi công xây dựng là kè bảo vệ sạt lở khu vực hạ lưu cầu Bà Sáu và trường Lê Văn Lương với chiều dài 650m (đều thuộc huyện Nhà Bè). 11 dự án còn lại đang trong giai đoạn chuẩn bị thủ tục.
Dự án bờ kè bán đảo Thanh Đa là một ví dụ điển hình. Bờ kè này được chia làm 4 đoạn, khởi động từ năm 2004 nhưng đến nay chỉ mới thực hiện được một đoạn 1.1. Trong những năm trước, lý do vướng mắc là vốn đầu tư quá lớn, thành phố chậm ghi vốn và vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB). Tuy nhiên, trong năm nay, theo ông Trần Văn Giàu thì vấn đề vốn đã giải quyết được, tuy nhiên vẫn ách tắc ở khâu GPMB. Hiện đoạn 1.3 đã GPMB được 80%, còn các đoạn 1.2 và 1.4 vẫn giẫm chân tại chỗ! Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh cho biết, việc GPMB chậm cũng do quỹ nhà bố trí tái định cư không đủ. Quỹ nhà TĐC chỉ đủ cho các hộ dân trong dự án 1.1 và 1.3. Riêng đoạn 1.2 và 1.4 với số hộ dân phải giải tỏa là 197 hộ thì quỹ nhà TĐC đã hết, vì vậy quận Bình Thạnh đề nghị Sở Xây dựng hỗ trợ nhà TĐC để bố trí cho các hộ dân này. Quận cũng đang kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh duyệt cho vay hơn 240 tỷ đồng cho công tác đền bù giải tỏa để đẩy mạnh việc đền bù đến cuối năm 2010 được hoàn tất.
Theo ông Trần Văn Giàu, sau đợt sạt lở ngày 24-7, thành phố đã chỉ đạo nhanh chóng xây dựng bờ kè chống sạt lở nên nếu quận Bình Thạnh kịp giải tỏa 20% số hộ còn lại và kịp giao mặt bằng thì tháng 9 có thể khởi công dự án 1.3. Còn đoạn 1.4, nơi vừa xảy ra sạt lở cũng đang được đẩy nhanh các thủ tục cần thiết để xây dựng bờ kè.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.