Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiểm họa đe dọa khu vực và toàn cầu

Đình Hiệp| 05/04/2013 06:34

(HNM) - 10 năm đã trôi qua kể từ khi bệnh nhân SARS đầu tiên người Mỹ gốc Trung Quốc được phát hiện tại Hà Nội (tháng 2-2003), nỗi ám ảnh về đại dịch do Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) trên phạm vi toàn cầu chưa nguôi ngoai trong tâm trí nhiều người.

Những cảnh báo, bài học thế giới có được sau đại dịch SARS khiến 774 người chết vẫn còn nguyên tính thời sự khi những ngày qua, thông tin về dịch cúm gia cầm H7N9 bùng phát mạnh tại Trung Quốc đang liên tục được cập nhật.

Với tốc độ lây lan nhanh, đến ngày 4-4, giới chức y tế Trung Quốc đã ghi nhận 9 ca nhiễm cúm gia cầm H7N9, trong đó 3 trường hợp đã tử vong. 

Sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc là nguyên nhân lây nhiễm virus cúm H7N9 tại Trung Quốc.


Sau hai trường hợp đầu tiên ở Trung Quốc tử vong vì nhiễm virus cúm gia cầm H7N9 được phát hiện tại thành phố Thượng Hải cách đây hơn một tháng, nay một loạt địa phương khác của Trung Quốc đã xuất hiện thêm các trường hợp nhiễm chủng virus này gồm: An Huy, Giang Tô, Chiết Giang… Với các triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp như: sốt, ho, sau đó viêm phổi nặng và khó thở, hầu hết nạn nhân được xác định đã tiếp xúc với thịt lợn hoặc gia cầm sống không rõ nguồn gốc. Các ca nhiễm đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Kết quả phân tích gene cho thấy, loại virus này được tìm thấy trong cơ thể người bệnh có độc tính rất cao. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây đã lên tiếng không loại trừ khả năng nguồn lây bệnh là từ lợn và các loại động vật khác.

Tuy chưa có dấu hiệu cho thấy chủng virus này có khả năng lây từ người sang người nhưng trước cảnh báo mới nhất của WHO rằng virus cúm gia cầm H7N9 có khả năng lây nhiễm sang người, các cơ quan chức năng Trung Quốc đã lập tức huy động mọi nguồn lực để phòng chống dịch bệnh này trên quy mô toàn quốc. Trước sự bùng phát ngày một lớn của dịch bệnh, Bộ Y tế Trung Quốc vừa có công văn khẩn đề nghị Giám đốc Sở Y tế, Viện trưởng các Viện phối hợp với cơ quan thú y và chính quyền địa phương thực hiện một loạt biện pháp tăng cường giám sát để phát hiện sớm và xử lý kịp thời ổ dịch cúm trên gia cầm, ráo riết kiểm dịch y tế biên giới, giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, xử lý kịp thời các trường hợp nghi mắc bệnh, đặc biệt "quan tâm" tới các vị khách đến từ vùng có ca bệnh... Cùng với một loạt biện pháp khẩn cấp, tuyên truyền để người dân hiểu và sử dụng gia cầm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cũng là giải pháp được giới chức y tế Trung Quốc quan tâm.

Không chỉ ở Trung Quốc đại lục, nguy cơ dịch cúm gia cầm H7N9 có thể bùng phát trên diện rộng đang là mối quan tâm của giới chức chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong - nơi từng bị dịch cúm gia cầm H5N1 và đại dịch SARS tấn công - với số người tử vong vì SARS lớn nhất thế giới. Là nơi khởi phát đại dịch SARS cách đây 10 năm, chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) hiểu rõ hậu quả của dịch bệnh không chỉ làm đình đốn ngành du lịch mà còn có thể triệt hạ cả một nền kinh tế khi dịch bùng phát thành đại dịch. Vì thế, cùng với cập nhật thông tin hằng ngày về diễn biến dịch cúm gia cầm H7N9 ở Trung Quốc đại lục, một trung tâm an toàn thực phẩm của Đặc khu đã vừa được chỉ định nhằm phát hiện sớm diễn biến bất thường trong hoạt động cung cấp thịt gia súc, gia cầm từ Trung Quốc đại lục. Trong khi đó, lực lượng hải quan Hong Kong cũng được lệnh tăng cường phòng bị, với các thiết bị đo thân nhiệt được triển khai tại các cửa khẩu…

Trung Quốc nói riêng, khu vực Đông Nam Á nói chung - nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới - đang đứng trước nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm H7N9. Khi thế giới vẫn chưa tìm ra vắcxin chống virus cúm gia cầm H7N9, câu chuyện về vị bác sĩ người Italia Carlo Urbani - 10 năm trước có mặt tại Việt Nam - đã dành trọn tâm sức, trí tuệ và cả mạng sống để tìm ra nguyên nhân cũng như phương cách đẩy lùi đại dịch SARS - lại được dư luận nhắc tới như một cảnh tỉnh rằng: Chúng ta không thể chủ quan trước bất cứ diễn biến nào của dịch bệnh. Trong khi chờ đợi các chuyên gia y tế tìm ra loại vắcxin hữu hiệu phòng virus cúm H7N9, mỗi người dân cần tự bảo vệ bằng các biện pháp phòng ngừa cần thiết như đã được WHO và cơ quan y tế địa phương khuyến cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiểm họa đe dọa khu vực và toàn cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.