(HNM) - Tối 14-3, nhiều khách hàng đến mua sắm tại siêu thị Big C The Garden (Mễ Trì - Nam Từ Liêm - Hà Nội) cảm thấy khó thở, một số bị ngất và được đi cấp cứu.
Tin ban đầu, được báo chí dẫn lại sau đó, cho thấy hiện tượng khách mua hàng ngất xỉu là do lượng khí thải từ xe máy trên đường vào bãi gửi xe ở dưới tầng hầm siêu thị này đã ở mức cao hơn cho phép. Lượng khí thải tăng cao là do lúc đó có quá nhiều xe vào bãi gửi trong tầng hầm, trong khi ở đây chỉ có hai cửa soát vé, bởi vậy, số xe nổ máy chờ đến lượt làm thủ tục gửi khá cao, lượng khí thải lớn.
Dù chưa gây ra thảm họa đáng kể nhưng sự cố nói trên cho thấy chúng ta chưa có sự chú ý đầy đủ đến loại sự cố này dù hệ lụy từ nó là đáng kể, căn cứ vào số vụ ngạt thở vì khí thải diễn ra trong nhiều năm qua, đã khiến nhiều người chịu chết. Chuyện đau lòng từng xảy ra tại Hải Dương, Quảng Ninh, Kiên Giang cũng như nhiều nơi khác, giờ muốn tìm tin tức cụ thể chỉ cần "hỏi google" là rõ.
Điều đáng kể là số vụ "được lên báo" chưa thể hiện đầy đủ tầm mức nguy hiểm mà loại sự cố nói trên gây ra đối với đời sống cộng đồng. Người ta chú ý đến sự vụ khi có người chết hoặc hàng loạt người cùng lúc phải đi cấp cứu, nhưng chưa để ý thích đáng đối với mối nguy tiềm tàng trong các quán bar, các tòa chung cư và thậm chí là trong nhiều gia đình. Cách nay ít ngày, chính xác là vào hai ngày 7 và 8-3, một số tòa chung cư ở tổ 20 phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, trong đó có chung cư An Sinh, An Lạc bị cắt điện gần như cả ngày. Ngành điện có kế hoạch cắt điện "trước và trong ngày của chị em", từ khoảng 6h sáng thông một lèo đến 7h30, 8h tối, đã đành là bất tiện cho các gia đình trong việc tôn vinh các mẹ các chị, nhưng đáng nói hơn là trong hai ngày đó, vì phải dùng máy nổ cả ngày nên không khí trong hầm để xe rất ngột ngạt dù đây là chung cư có hầm để xe khá thoáng. Sự thể ra sao nếu việc chạy máy nổ liên tục diễn ra ở những nơi bí bức hơn? Cũng có thể đặt ra câu hỏi đó cho các gia đình có sử dụng máy nổ ở tổ dân phố nói trên và những nơi thường xuyên chịu hệ lụy từ sự cố về điện…
Người ta ví cái chết do ngạt khí CO, CO2 là "cái chết không phản kháng" bởi các loại khí độc này có thể chế ngự nạn nhân ngay lập tức, người bị nạn có thể lâm vào tình trạng hôn mê và tử vong sau đó mà không kịp phản ứng gì. Bởi vậy, nếu không có giải pháp cho vấn đề liên quan đến những nơi tập trung phương tiện cơ giới trong không gian hẹp và kín, những cơ sở dịch vụ và gia đình có sử dụng máy nổ, những sự cố tương tự hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai.
Giải pháp cho vấn đề một phần nằm ở ý thức tự giác và sự hiểu biết của người dân, chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ, có liên quan đến công tác tuyên truyền, vận động; một phần phụ thuộc vào hiệu quả của công tác xây dựng các điều luật liên quan cũng như bảo đảm cho chúng đi vào đời sống một cách nghiêm túc. Đó là điều cần thiết được thực hiện một cách chủ động, "đi trước một bước" để phòng ngừa hậu quả bởi suy cho cùng thì hiểm họa từ khí thải độc hại là điều có thể thấy được, không khác gì nhiều so với hiểm họa từ cháy nổ mà chúng ta đang quan tâm loại trừ một cách tích cực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.