(HNM) - Hơn 10 năm nay, bà Nguyễn Thị Phương - Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục lao động xã hội số II (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) đã nỗ lực chăm sóc, bù đắp thiệt thòi cho gần 200 trẻ nhiễm HIV bị bỏ rơi từ lúc lọt lòng.
Năm 2001, trung tâm bắt đầu đón nhận trẻ sơ sinh có HIV bị bỏ rơi. Để đáp ứng yêu cầu đặt ra, bà Phương phải tổ chức tìm hiểu kỹ năng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ sơ sinh, chữa trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội và phòng chống lây nhiễm… Trong điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, bà Phương đã động viên cán bộ, nhân viên trung tâm hết lòng chăm sóc các bé. Khi vào trung tâm, 100% trẻ có HIV đều trong tình trạng bị suy kiệt, cùng lúc mắc nhiều bệnh nhiễm trùng cơ hội, tiêu hóa, hô hấp, sẩn ngứa… Bà cùng cán bộ trung tâm tận tâm tận lực, phối hợp cấp cứu, chữa trị 24/24 giờ để kịp thời cứu sống các cháu. Quá trình điều trị, phục hồi, nuôi dưỡng mất rất nhiều công sức. Bằng tấm lòng của một người mẹ, bà đã kiên trì, nỗ lực vượt mọi khó khăn, cùng cán bộ, nhân viên của trung tâm cố gắng bảo đảm cho trẻ có HIV được bảo vệ, vui chơi, chăm sóc, chữa trị tốt, có cuộc sống như trong một gia đình. Bên cạnh đó, bà tìm cách liên hệ, vận động các cá nhân, tổ chức hỗ trợ trẻ có HIV. Đến nay, trẻ em của trung tâm được sống trong cơ ngơi khang trang với các phòng chức năng: ngủ, chơi, chữa bệnh, học tập… Trong đó, 63/79 cháu (từ 0 đến 17 tuổi) được điều trị thường xuyên bằng ARV, 54 cháu đang học phổ thông.
Bên cạnh nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ có HIV bị bỏ rơi, trung tâm còn đảm nhiệm công tác giáo dục, chữa trị, hoàn lương cho hơn 800 người nghiện ma túy, trong đó có hơn 200 phụ nữ mại dâm nghiện ma túy. Xuất phát từ tình thương và sự cảm thông, bà Phương chú trọng công tác giáo dục, cảm hóa, nâng cao nhận thức, giúp các học viên nhận chân giá trị cuộc sống, hướng thiện để làm lại cuộc đời. Nhờ vậy, nhiều cô gái lỡ lầm đã quyết tâm từ bỏ con đường cũ. Từ sự tin tưởng, khích lệ của bà Phương, nhiều học viên nữ của trung tâm đã liên tục phấn đấu, rèn luyện, học nghề, trở thành những người có ích, có trách nhiệm trong cuộc sống.
Với những nỗ lực chăm sóc trẻ em có HIV, hỗ trợ phụ nữ lỡ lầm làm lại cuộc đời, bà Nguyễn Thị Phương đã vinh dự được nhận Giải thưởng phụ nữ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều phần thưởng cao quý khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.