(HNM) - Bị ảnh hưởng chất độc da cam từ người cha nên khi mới 2 tháng tuổi, sau một trận sốt, đôi chân của Nguyễn Hồng Hà (xã Yên Sở, Hoài Đức) bị teo đi. Những năm tháng đi học, Hà đã gặp rất nhiều khó khăn vì đôi chân không lành lặn.
Thế nhưng, vượt qua mọi gian khó, năm 2000, Hà thi đỗ vào Khoa tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Dù việc đi lại rất vất vả, nhưng hằng ngày, Hà vẫn cần mẫn đến lớp trước sự khâm phục, yêu quý của thầy cô và bạn bè.
Tốt nghiệp đại học loại giỏi, Nguyễn Hồng Hà được nhiều công ty ở Hà Nội mời về làm việc với mức lương hấp dẫn nhưng anh đã từ chối và quyết định đầu quân cho một công ty ở tỉnh Thái Bình, nơi có nhiều người khuyết tật đang làm việc. Hơn một năm làm việc tại công ty, anh quyết định về quê hương mở xưởng may xuất khẩu, vừa để tạo lập sự nghiệp, vừa giúp những người cùng hoàn cảnh ở quê nhà. Thời gian đầu, Giám đốc trẻ Nguyễn Hồng Hà gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm bởi công ty anh có nhiều người tàn tật làm việc nên nhiều khách hàng vẫn còn e ngại, chưa muốn ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Thế nhưng, bằng uy tín của cá nhân, chất lượng hàng hóa luôn được bảo đảm nên dần dần, khách hàng tìm đến công ty ngày càng nhiều. Từ một xưởng sản xuất nhỏ năm 2005, đến nay Công ty TNHH Hồng Hà đã mở rộng với 3 cơ sở sản xuất, tạo việc làm thường xuyên cho 60 lao động, trong đó có 50% là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, mức lương 2,5-3,3 triệu đồng/người/tháng. Nguyễn Hồng Hà tâm sự: "Trải qua nhiều khó khăn trong cuộc sống, tôi thấu hiểu những khó khăn của người khuyết tật nên ngay từ khi mới thành lập công ty, dù khó khăn chồng chất nhưng đã rất chú trọng đến việc hỗ trợ những người khuyết tật". Đã có khoảng 100 người khuyết tật từ khắp các địa phương trong cả nước được anh dạy nghề miễn phí, nhiều người được anh tạo việc làm ổn định.
Dành nhiều sự quan tâm cho người khuyết tật bằng cả tấm lòng nên năm 2009, Nguyễn Hồng Hà được bầu là Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Hoài Đức. Năm 2012, Công ty TNHH Hồng Hà được công nhận là đơn vị sản xuất, kinh doanh dành riêng cho người khuyết tật và được hưởng những chính sách ưu đãi của Nhà nước trong lĩnh vực dạy nghề, tạo việc làm. Năm 2013, anh là đại biểu đại diện cho người khuyết tật Hà Nội dự hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ IV và được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH về những đóng góp trong công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật.
Hiện tại, Nguyễn Hồng Hà đang ấp ủ đề án xây dựng trung tâm dạy nghề, xưởng thực hành may mặc hàng xuất khẩu và trưng bày giới thiệu sản phẩm có thể thu hút khoảng hơn 150 lao động là người khuyết tật vào làm việc. Để thực hiện mong ước này, ngoài sự cố gắng của bản thân, Hà mong muốn sẽ có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước để anh thực hiện khát vọng được cống hiến nhiều hơn cho người khuyết tật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.