(HNM) - Việc minh bạch quản lý quỹ đất đã giao cho ngành đường sắt là đòi hỏi phải sớm thực hiện, nhằm chấm dứt tình cảnh lời ăn, lỗ... nhà nước chịu.
Hạ tầng ngành đường sắt chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả. Ảnh: Hồng Vĩnh |
Thiếu minh bạch, ngân sách phải cấp bù
Phương thức vận tải ĐS có rất nhiều lợi thế và chỉ đứng sau vận tải đường thủy, với giá thành thấp, vận chuyển khối lượng lớn, an toàn, nhưng trong suốt thời gian dài, hệ thống hạ tầng ĐS không những không được đầu tư phát triển mở rộng, mà thậm chí còn bị thu hẹp. Năng lực vận tải ĐS rất thấp, chỉ đạt khoảng 4,5% tổng lượng vận tải hành khách và khoảng 1,8% tổng lượng vận tải hàng hóa.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là chưa có sự thống nhất về phân loại tài sản kết cấu hạ tầng ĐS. Về lý thuyết, tuy cùng là nhóm tài sản hạ tầng, nhưng tính chất hoạt động, sử dụng, kinh doanh khác nhau thì phương thức quản lý, mức thu, giá thuê phải khác nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tách bạch mục đích sử dụng quỹ đất này lại chưa rõ ràng, dẫn đến áp dụng thu đối với từng loại tài sản hạ tầng chồng chéo, khó kiểm soát.
Theo Bộ Tài chính, trong 6.000ha đất công được giao, quỹ đất công trình hạ tầng ĐS chiếm tới 90%. Quỹ đất sử dụng vào mục đích liên doanh, liên kết để tạo vốn phát triển ĐS chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ 0,16%. Các kho hàng, bãi hàng có diện tích khiêm tốn, khối lượng xếp dỡ hàng hóa ít, nhỏ lẻ. Trong khi, theo quy định hiện hành, Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng với quỹ đất phục vụ mục đích công cộng. Đất sử dụng vào mục đích sản xuất - kinh doanh phải nộp tiền thuê đất. Thế nhưng, việc thiếu tách bạch giữa đất phục vụ hạ tầng và đất phục vụ kinh doanh nên quỹ đất của ngành ĐS quản lý được bao cấp hoàn toàn. Trong khi đó, ngân sách nhà nước hằng năm phải cấp bù khoảng 1.200 tỷ đồng để bảo trì, duy tu, bởi hiệu quả khai thác hạ tầng ĐS quá thấp, chỉ khoảng 350 tỷ đồng/năm.
Nên thu hồi nếu quản lý kém hiệu quả
Tại các quốc gia có ngành ĐS phát triển như Nhật Bản, Đức, Pháp, Italia... nguồn thu từ kinh doanh ngoài vận tải, như nhà ga, bãi hàng, kho hàng, du lịch, dịch vụ, cửa hàng bán lẻ... chiếm 35% trong tổng doanh thu. Thậm chí trong tương lai, nguồn doanh thu này có thể lên tới 40% . Đây sẽ là nguồn tài chính để tái đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải ĐS và tạo thêm nguồn thu ngân sách. Theo Bộ Tài chính, để làm được điều này, Chính phủ cần ban hành cơ chế, khuôn khổ pháp luật xung quanh việc khai thác, kinh doanh các tài sản như đất đai, kho bãi, nhà ga được Nhà nước giao và tổ chức các dịch vụ hỗ trợ vận tải.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, cần thiết phải tách bạch quỹ đất dành cho hạ tầng ĐS và quỹ đất phục vụ kinh doanh ngoài vận tải mà ngành ĐS đang quản lý để tránh thất thu ngân sách. "Việc phát triển các dịch vụ kinh doanh ngoài vận tải sẽ bổ sung đáng kể doanh thu cho ngành ĐS, qua đó giảm bớt gánh nặng cho ngân sách. Nhưng nếu quỹ đất này bị sử dụng kém hiệu quả, hay có nguy cơ làm thất thoát tài sản của Nhà nước, thì nên thu hồi" - ông Ánh đề xuất.
Tại dự thảo tờ trình Chính phủ về quản lý quỹ đất thuộc tài sản kết cấu hạ tầng ĐS, Bộ Tài chính cũng cho rằng, quỹ đất dành cho hạ tầng ĐS đang được bao cấp hoàn toàn sẽ dẫn tới tình trạng đơn vị sử dụng đất là Tổng công ty ĐS Việt Nam không có động lực để khai thác hiệu quả quỹ đất được giao và còn để xảy ra lãng phí. Việc phân định rõ quỹ đất nào phục vụ kinh doanh ngoài vận tải sẽ góp phần giúp ngành ĐS chủ động hơn trong việc phát triển các dịch vụ đi kèm, qua đó có thể cân đối được tài chính và Nhà nước sẽ không còn phải bù lỗ kinh phí cho ĐS như hiện nay.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới ngày 11-5, ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, dự thảo nghị định của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và kinh doanh tài sản kết cấu hạ tầng ĐS đang được lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, địa phương. Trong vòng một tuần tới, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ có ý kiến chính thức về vấn đề này. Sau khi tổng hợp các ý kiến, Cục sẽ hoàn thiện dự thảo phương án tách bạch quản lý quỹ đất này. Theo thống kê của Bộ Tài chính, hệ thống hạ tầng ĐS được xây dựng và đưa vào khai thác đã hơn 100 năm, với tổng chiều dài khoảng 3.000km. Đây là khối tài sản nhà nước đặc biệt lớn, cần thiết phải có cơ chế quản lý, sử dụng, kinh doanh phù hợp, nhằm phục vụ phát triển kinh tế. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.