Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hết cả thông thái

Việt Nhân| 07/02/2010 07:37

(HNM) - Từ tháng 11-2009 đến nay, lực lượng liên ngành đã triển khai kế hoạch tổng kiểm tra việc sản xuất, sơ chế, kinh doanh rau an toàn (RAT) ở nhiều địa phương và địa điểm kinh doanh. Kết quả cho thấy, nhiều siêu thị, cửa hàng vi phạm về nhãn mác, niêm phong, bao gói, đặc biệt là vi phạm về nhập nhằng nguồn gốc rau.

Điển hình, quầy bán rau của siêu thị Intimex Hào Nam treo biển bán RAT, song hầu hết rau ở đây lại được gắn mác "rau hữu cơ", được sản xuất và phân phối bởi Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Việt Liên. Khi đoàn kiểm tra yêu cầu siêu thị xuất trình giấy tờ thì họ chỉ xuất trình được giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT của khu sản xuất RAT phường Cự Khối, những giấy tờ khác liên quan đến hoạt động sản xuất và sơ chế của Công ty Việt Liên, siêu thị không xuất trình được.

Tháng 9-2009, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 104/2009/QĐ-UBND quy định về quản lý sản xuất và kinh doanh RAT trên địa bàn thành phố. Đây là căn cứ để các ngành liên quan siết chặt hơn nữa hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng này. Tuy nhiên, theo quyết định này, Chi cục Bảo vệ thực vật chỉ có trách nhiệm hướng dẫn cho các đơn vị đã có giấy chứng nhận sản xuất RAT, còn các cơ sở kinh doanh thuộc thẩm quyền của ngành công thương. Bởi vậy, việc quản lý chất lượng RAT ở các siêu thị bị buông lỏng. Thành phố có khoảng 50 siêu thị và trung tâm thương mại lớn, nhỏ. Phần lớn các siêu thị có bán rau tươi thường thông qua một đầu mối cung cấp. Đầu mối này có trách nhiệm xuất trình các loại giấy tờ bảo đảm về chất lượng hàng hóa mình cung cấp. Nếu có sai phạm xảy ra, nhà cung cấp sẽ phải chịu trách nhiệm, siêu thị chỉ quản lý, kiểm tra giấy tờ bảo đảm chất lượng mặt hàng. Trên thực tế, dù có bị phát hiện vi phạm, siêu thị cũng chỉ bị phạt 5 trăm nghìn đến 1,2 triệu đồng, một mức phạt quá thấp và không có tác dụng răn đe. Ngoài siêu thị còn có vô số cửa hàng treo biển RAT nằm rải rác trong thành phố mọc lên tự phát, không hề có sự quản lý của một cơ quan chức năng nào.

Việc lấy mẫu, kiểm tra độ an toàn của các mặt hàng rau cũng là một vấn đề nan giải. Thông thường, kiểm tra 1 hoạt chất tốn 300.000 đồng, mà mỗi mẫu rau thường phải kiểm tra ít nhất 7 hoạt chất. Trong khi đó, ngân sách dành cho việc xét nghiệm khá khiêm tốn, do đó, việc kiểm tra mẫu rau lâu nay vẫn được tiến hành rất "tiết kiệm". Hơn nữa, theo quy định, những hành vi vi phạm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như trồng rau không đúng kỹ thuật và thời gian cách ly gây nguy hiểm cho người, gia súc và làm ô nhiễm môi trường sẽ bị phạt từ 1 đến 3 triệu đồng, nhưng trên thực tế, chế tài này không áp dụng được vì người nông dân sản xuất nhỏ lẻ, không có tiền chịu phạt.

Thiếu nhân lực, cơ chế, điều kiện, cơ quan chức năng bó tay, còn người sản xuất và kinh doanh vì lợi nhuận mà nhập nhằng chất lượng. Người tiêu dùng dù có thông thái đến mấy cũng khó mà phân biệt được đâu là rau sạch, đâu là rau bẩn. Họ bỏ ra số tiền lớn gấp 3, 4 lần nhưng chưa chắc đã mua được RAT. Người ta nói khách hàng là thượng đế. Nhưng trong trường hợp này, "thượng đế" đã bị bỏ quên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hết cả thông thái

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.