Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hệ thống thủy lợi Hà Nội trước mùa mưa bão: Thường trực nỗi lo

Hoàng Văn| 14/05/2014 04:34

(HNM) - Trước mùa mưa bão, hệ thống công trình thủy lợi của thành phố được tu bổ, sửa chữa, nâng cấp, khơi thông dòng chảy để bảo đảm khả năng phòng chống úng ngập.

Qua rà soát, Hà Nội có 1.918 trạm bơm (TB) với 4.334 máy bơm các loại, trong đó, các doanh nghiệp thủy lợi của thành phố quản lý 519 TB (2.538 máy bơm), còn lại do các HTX quản lý. Ông Nguyễn Vĩnh Liên, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội cho biết, dù được thành phố quan tâm đầu tư chống ngập úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp nhưng chưa đáp ứng so với nhu cầu thực tế. Nhiều công trình thủy lợi xây dựng cách đây 30-40 năm, trải qua quá trình vận hành khai thác phục vụ sản xuất và phòng chống thiên tai đã bị xuống cấp, nguồn vốn để đầu tư cải tạo, sửa chữa hằng năm không đủ đáp ứng thậm chí, một số hạng mục công trình đã hư hỏng từ những năm trước đây chưa được đầu tư sửa chữa, song vẫn phải hoạt động phục vụ sản xuất và phòng chống thiên tai. Cụ thể như TB tiêu Khai Thái (Phú Xuyên) có 3 máy bơm với tổng công suất 75.000m3/h, không được bảo dưỡng thường xuyên nên hệ thống kênh xả bị sạt lở, kênh tiêu bị bồi lắng... Trạm bơm Vân Đình (Ứng Hòa) công suất lắp máy 224.000m3/h, tiêu nước ra sông Đáy nhưng bể hút, hai bờ kênh dẫn bị bồi lắng... làm giảm năng lực tiêu mùa mưa bão. Ngoài ra, hệ thống sông Nhuệ, sông Tích, sông Đáy, sông Thiếp, các trục kênh tiêu chính trước đây tiêu tự chảy nhưng hiện nay do bồi lắng, đổ phế thải, lấn chiếm... nên hạn chế khả năng tiêu thoát nước.

Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi, tính từ đầu năm 2013 đến hết tháng 4-2014, toàn thành phố có 595 vụ vi phạm Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi, đã giải tỏa được 137 vụ. Qua kiểm tra, phần lớn các vi phạm là lấn chiếm xây dựng nhà ở trên mái bờ sông, bờ kênh, hồ chứa, thả rau bèo trên kênh... Hệ thống sông Nhuệ còn tồn tại nhiều nhất (216 vụ), đặc biệt trên địa bàn các quận Nam Từ Liêm, Hà Đông và huyện Thanh Trì, xảy ra những vi phạm nghiêm trọng như: xây dựng nhà cấp ba, cấp bốn, dựng lều lán, làm lò gạch trong hành lang công trình. Nhiều vi phạm đã xảy ra từ lâu, thậm chí đã được các cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận sử dụng đất... "Những vụ vi phạm này đều được các công ty thủy lợi lập biên bản yêu cầu chính quyền cơ sở xử lý, song hiệu quả đạt rất thấp, hiện tượng vi phạm có chiều hướng phức tạp". Ông Nguyễn Vĩnh Liên cho biết.

Cần giải pháp đồng bộ

Sau khi khảo sát, đánh giá hiện trạng hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn trước mùa mưa bão 2014, giải pháp hàng đầu được ngành nông nghiệp chỉ ra trước mắt vẫn là tuân thủ phương châm "4 tại chỗ", phối hợp điều hành đồng bộ giữa tiêu úng nội thành và ngoại thành. Các doanh nghiệp thủy lợi, trạm thủy nông cơ sở cần làm tốt công tác chuẩn bị để khi xuất hiện bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp vào Hà Nội là có thể chủ động tiêu nước đệm trên các kênh mương nội đồng, duy trì mực nước hồ chứa phù hợp. Các phương án phân vùng tiêu nước cũng cần được xây dựng cụ thể để khi mưa lớn xảy ra là áp dụng phương án phân vùng và tiêu nước cho từng vùng. Ngoài ra, thành phố cũng xây dựng kịch bản các tình huống xảy ra trong mùa mưa bão, như mưa lớn từ 250 đến 300mm trong hai ngày sẽ phải áp dụng biện pháp tình thế, chấp nhận thiệt hại, khoanh vùng, chôn nước, tuân thủ giải pháp an toàn cho khu vực nội thành, các tuyến đê quan trọng…

Về lâu dài, để bảo đảm tiêu thoát úng đạt hiệu quả, ngoài những giải pháp kể trên, thành phố cần quan tâm bố trí kinh phí thay thế, xây mới các trạm bơm đã hoạt động nhiều năm, bị xuống cấp nghiêm trọng; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng cụm đầu mối TB Liên Mạc, TB tiêu Yên Nghĩa, Đông Mỹ và cải tạo, nâng cấp trục tiêu sông Nhuệ, đẩy nhanh tiến độ nạo vét dòng sông Đáy, sông Tích... Sở NN&PTNT cũng đưa ra một số kiến nghị, đề xuất như đẩy nhanh việc cắm mốc giới các công trình thủy lợi. Các quận, huyện, thị xã tập trung tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân nhằm nâng cao ý thức bảo vệ công trình thủy lợi và xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm, các vi phạm mới, tái vi phạm Pháp lệnh công trình thủy lợi, tạo dòng chảy thông thoáng trên các sông, kênh chính, đặc biệt hệ thống trục tiêu sông Nhuệ... Có như vậy việc chống úng ngập mới ổn định lâu dài và giảm tổn thất do mưa bão gây ra cho kinh tế, xã hội và đời sống dân sinh trên địa bàn Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hệ thống thủy lợi Hà Nội trước mùa mưa bão: Thường trực nỗi lo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.