(HNM) - Từng loại bỏ nguy cơ về cơn suy thoái lần hai, song lời cảnh báo vừa phát đi từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 5-10 khẳng định lĩnh vực tài chính vẫn là ẩn họa tiềm tàng trên con đường hồi phục của kinh tế toàn cầu và điều này cho thấy: nền kinh tế thế giới vẫn chưa thoát hiểm.
Trong "Báo cáo về ổn định tài chính toàn cầu", IMF chỉ ra rằng hệ thống tài chính dễ bị tổn thương và cực kỳ nhạy cảm trước các biến động tiêu cực đang biến lĩnh vực quan trọng này thành điểm yếu nhất của kinh tế thế giới. Lòng tin được cải thiện chậm chạp vì gánh nặng nợ công, những thách thức về nguồn tài chính cho các ngân hàng và quá trình cải cách chưa hoàn tất... cũng khiến khu vực tài chính hội tụ nhiều yếu tố có thể cản trở nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng.
Cải tổ hệ thống ngân hàng đang được xem là chìa khóa cho một nền kinh tế ổn định. |
Trong những hỗn loạn sau sự phá sản của Lehman Brothers lộ diện những khiếm khuyết của mô hình tài chính thế giới, hệ thống ngân hàng toàn cầu vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức về cơ cấu. Các ngân hàng Mỹ vật lộn với những vấn đề liên quan tới thị trường bất động sản trì trệ trong khi những "đồng nghiệp" châu Âu phải chịu áp lực từ các rủi ro đột xuất và tài chính hạn hẹp. Khoản nợ đáo hạn lên đến 4.000 tỷ USD mà ngân hàng Âu - Mỹ phải thanh toán trong vòng 24 tháng tới đang mang đến khả năng các chính phủ sẽ phải tung thêm tiền cho hệ thống ngân hàng. Quyết sách tiếp tục hỗ trợ tiền tệ trong điều kiện thị trường tài chính đang bấp bênh chắc chắn không thể giảm bớt tình trạng được xem là hỗn loạn hiện có tại thị trường nợ chính phủ. Cùng với đó là 1.650 tỷ USD nợ xấu trên toàn cầu cần được xóa trong thời gian từ 2007 đến 2010. Điều này làm gia tăng những đồn đoán về khả năng xuất hiện làn sóng phát hành trái phiếu từ nhiều quốc gia và phơi trần những yếu kém của hệ thống ngân hàng trước những cú sốc tiềm tàng có thể đè nặng lên thị trường tài chính công. Một khi nguy cơ mất thăng bằng trong cán cân ngân sách công xảy ra sẽ kéo theo những hậu quả tai hại đối với tăng trưởng. Do vậy, bài toán khó với các chính phủ hiện nay là vừa phải củng cố ngân sách để giảm bớt nợ nần, vừa phải đảm bảo tăng trưởng ở mức độ thích hợp.
Hai năm sau cơn "đại hồng thủy" nhấn chìm nền kinh tế thế giới trong khủng hoảng, ngành ngân hàng được xem là một trụ cột quan trọng đã tạm thời bình phục nhưng vẫn chưa thực sự vững chắc. Ngoài 280 ngân hàng Mỹ bị xóa tên chỉ trong vỏn vẹn hai năm qua, vẫn còn trên 800 ngân hàng tại nước này có nguy cơ phá sản. Tại châu Âu, cho dù chỉ có 7 trong số 91 ngân hàng không vượt qua cuộc sát hạch tín dụng vừa qua thì nhiều nhà băng cũng bị coi đang đứng trước bờ vực đổ vỡ.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, những tiến bộ của thế giới trong việc cải tổ hệ thống ngân hàng mới chỉ dừng ở mức độ nửa vời khi cộng đồng quốc tế dường như vẫn chưa ý thức được độ nguy hiểm của nguyên tắc "lớn đến mức không thể đổ vỡ" từng làm "tan tành" người khổng lồ Lehman Brothers. Xu thế sáp nhập của các ngân hàng nhỏ với các đối tác lớn hơn để tiếp tục tồn tại sau biến cố đen tối mùa thu 2008 trên thực tế đã nâng quy mô của một số ngân hàng Mỹ lớn hơn so với thời kỳ tiền khủng hoảng. Song, nhiều người lo ngại nếu những bậc đàn anh như JP Morgan Chase hay Goldman Sachs... nhỡ có "sa cơ lỡ bước" thì kịch bản cũ lại tái diễn. Những gói giải cứu khổng lồ trích từ tiền đóng thuế của người dân sẽ tiếp tục được đưa ra vì chính phủ Mỹ không thể bỏ rơi các ngân hàng có tầm ảnh hưởng lớn với nền kinh tế.
Cảnh báo của IMF đưa ra vào thời điểm có nhận xét cho rằng những chính sách tiền tệ lỏng lẻo mà hai cơ quan đầu não là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đang thực thi qua việc bơm tiền ồ ạt đang đẩy kinh tế thế giới vào hỗn độn khi thị trường ngoại hối biến động khó lường. Cuộc chạy đua làm yếu đồng nội tệ bằng can thiệp tỷ giá của nhiều nước thời gian gần đây đang tạo ra nhiều bất trắc cho thị trường tiền tệ khi nền kinh tế thế giới về tổng thể vẫn chưa ra khỏi mê cung suy thoái.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.