Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hệ quả của “Thả gà ra đuổi”!

Quốc Bảo| 16/11/2015 06:34

(HNM) - Những trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) không tuyển được sinh viên sẽ đứng trước khả năng bị


Trường mọc như nấm

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2014, cả nước có 472 trường ĐH, CĐ. Nếu chưa kể khối trường công an và quân đội thì Bộ GD-ĐT quản lý 219 trường ĐH, 217 trường CĐ (60 trường ĐH và 28 trường CĐ dân lập). Chỉ trong 7 năm (2007-2013) đã có 133 trường ĐH, CĐ được thành lập, trong đó có tới 108 trường "lên đời" từ trung cấp lên CĐ, CĐ lên ĐH. Trong khi đó, theo Quyết định điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ của Thủ tướng Chính phủ đề ra năm 2013, cho tới năm 2020, cả nước mới cần 460 trường ĐH, CĐ.


Sinh viên các trường nhóm dưới sẽ đi về đâu nếu trường giải thể.


Theo các chuyên gia giáo dục, việc các trường nở rộ như "nấm mọc sau mưa" khiến cho chất lượng tuyển sinh ngày càng đi xuống. Sau mỗi kỳ thi ĐH lại xảy ra tình trạng các trường nhóm dưới "vơ bèo, vặt tép", gửi giấy gọi trúng tuyển cho thí sinh trước cả khi các em này biết điểm thi. Trường "phình to" cũng dẫn đến số lượng sinh viên phát triển "quá cỡ". Chỉ tính riêng năm 2013, số sinh viên tốt nghiệp hơn 425.000 em, tăng 165% so với năm 2010 và 220% so với năm 2005. Tình trạng "người người đều học ĐH" cũng dẫn tới "thừa thầy, thiếu thợ" và gia tăng cử nhân thất nghiệp cho dù đã tốn bao công sức, tiền của ăn học.

Mùa tuyển sinh năm nay đã kết thúc và nhiều trường mới chỉ tuyển được 40-50% sinh viên so với chỉ tiêu, nhiều ngành chỉ tuyển được 1-2 sinh viên. "Đây là thời điểm thích hợp để sắp xếp lại hệ thống các trường ĐH, CĐ" - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nhận định. Theo ông Ga, trước mắt, các địa phương, bộ, ngành liên quan đã dừng tiếp nhận hồ sơ thành lập trường mới, siết chặt việc mở ngành mới. Riêng năm 2014-2015, 60 ngành đào tạo không đủ tiêu chuẩn không tiếp tục được cấp phép đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính quy đã giảm 2,5%/ năm và hệ vừa học vừa làm đã giảm 18%/năm. Ông Ga cho biết, Bộ sẽ rà soát lại tình hình các trường. Nếu trường nào liên tục gặp khó khăn về tuyển sinh trong vài năm gần đây thì Bộ sẽ tính đến việc giải thể hoặc sáp nhập vào trường mạnh, trở thành phân hiệu của họ.

"Đối với các trường tư, việc chia tách, sáp nhập hay đóng cửa sẽ do các nhà đầu tư quyết định. Bộ GĐ-ĐT chỉ đình chỉ hoạt động, giải thể trường khi các trường này vi phạm pháp luật" - Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT).

"Con" yếu càng phải thương!

Nhận định về dự định giải tán các trường ĐH, CĐ yếu kém, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam lại thấy rằng quá vội vàng. "Chẳng có bậc cha mẹ nào thấy con yếu ớt, èo uột lại vứt bỏ cả. Nếu các trường yếu kém thì cần phải tìm cách nuôi dưỡng để các trường khỏe mạnh trước khi tìm cách "bức tử" nó". PGS Nhĩ cho biết, vẫn còn nhiều giải pháp trước khi đóng cửa các trường. Cụ thể cần rà soát lại nguồn lao động, dự báo cung cầu, phân bổ lại cơ cấu đào tạo hợp lý, chuyển đổi ngành đào tạo, hình thức đào tạo và nếu thực sự không đủ năng lực mới tính đến giải thể.

GS Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Hải Phòng cũng cho rằng, tiêu chí "không tuyển được sinh viên" không phải là tiêu chí thỏa đáng, đầy đủ để dẫn đến việc giải tán một trường học. "Không ít các trường có bề dày lịch sử, có năng lực đào tạo, sinh viên ra trường có tỷ lệ xin được việc cao nhưng năm nay lại chỉ tuyển được 50% sinh viên như ĐH Dân lập Hải Phòng, ĐH Lâm nghiệp... Đó là vì các trường nhóm trên đã "vợt" hết sinh viên, các trường nhóm dưới không còn nguồn tuyển" - GS Nghị phân tích. Theo GS Nghị, cần có thêm nhiều tiêu chí đánh giá khác để "đo" năng lực của một trường ĐH, CĐ. Đồng thời cần quan tâm đến quyền lợi của các sinh viên đang theo học.

Việc quy hoạch các trường ĐH, CĐ là quan trọng nhưng theo PGS.TS Phạm Văn Miên - Phó Giám đốc Học viện Tài chính, quan trọng hơn là quy hoạch lại các ngành đào tạo. Việc đình chỉ các ngành đào tạo èo uột, không có thí sinh hoặc đào tạo quá nhiều, tỷ lệ thất nghiệp cao dễ hơn là đóng cửa trường. Mấy năm qua, có nhiều trường cứ thấy ngành nào "hot" là mở ngành, tuyển sinh ồ ạt khiến cho chất lượng đào tạo giảm, tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp lớn. Đơn cử như ngành kế toán, rất nhiều trường đào tạo. Hoặc việc nhiều trường ĐH, CĐ không chuyên nhưng vẫn mở ồ ạt các ngành y, dược dẫn đến chất lượng đầu ra của các "bác sĩ" không bảo đảm, thừa số lượng, yếu chất lượng.

Như vậy, việc siết chặt ngành đào tạo, đào tạo tinh, đào tạo bám sát nhu cầu của thị trường lao động trước khi tính đến việc đóng cửa trường là giải pháp mà nhiều chuyên gia giáo dục ủng hộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hệ quả của “Thả gà ra đuổi”!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.