(HNM) - Việc Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai chấp nhận cho phiến quân Taliban mở văn phòng đại diện tại Doha, thủ đô của Qatar mới đây được đánh giá là một động thái nhiều ý nghĩa đối với quốc gia Nam Á.
Từng kiên quyết phản đối chuyện để phiến quân Taliban hiện diện một cách công khai, sự chuyển hướng về quan điểm của Kabul đã cho thấy những thay đổi quan trọng trong chính sách tiếp cận của chính quyền Afghanistan với Taliban, lực lượng đã trở thành những thách thức an ninh nghiêm trọng tại nước này kể từ sau cuộc chiến của Mỹ năm 2001.
Việc thúc đẩy tiến trình hòa giải với Taliban được hy vọng sẽ mang lại hòa bình lâu dài cho Afghanistan. |
Từ sự đối đầu như không đội trời chung, cả hai phía chính phủ và phiến quân Taliban trong thời gian gần đây đã có nhiều thiện chí hơn để tiến tới đối thoại. Với chính phủ của Tổng thống Hamid Karzai, việc có thể tìm kiếm một giải pháp nhằm thúc đẩy cho tiến trình hòa giải với Taliban là một trong những lựa chọn chiến lược. Hơn một thập kỷ chiến sự cho thấy, với sự ảnh hưởng mạnh mẽ ở khu vực Tây bắc Afghanistan, Taliban là một tổ chức không phải có thể loại bỏ dễ dàng. Sự tồn tại của nhóm phiến quân này là một thực tế mà Kabul nhận ra rằng ở một chừng mực nào nó cần có sự nhìn nhận theo hướng tích cực hơn. Không chỉ chính quyền Tổng thống H.Karzai đang có những xu hướng "thuận" theo hòa hoãn, mà Mỹ cũng nhất trí rằng mở cánh cửa đàm phán hòa bình với lực lượng Taliban là một biện pháp quan trọng nhằm bảo đảm an ninh lâu dài cho quốc gia Nam Á sau khi các lực lượng nước ngoài rút đi. Trong chuyến thăm mới đây nhất tới Kabul, Ngoại trưởng Mỹ J.Kerry cũng khẳng định rằng Washington coi đàm phán với Taliban là ưu tiên trọng yếu trong bối cảnh lực lượng nước ngoài có kế hoạch rời khỏi quốc gia này vào cuối năm 2014. Thực tiễn đã cho thấy rằng, ngay khi một lực lượng quốc tế đồ sộ đang ngày đêm hết sức bảo vệ Afghanistan, bất ổn an ninh vẫn là vấn đề đáng quan ngại nhất tại nước này. Bất chấp những biện pháp trấn áp và "tìm diệt" quy mô và tinh vi, phiến quân Taliban vẫn đủ sức gây mưa gió tại nhiều khu vực ở quốc gia Nam Á. Cho nên, Mỹ cũng khó mà an lòng nếu để Kabul tự chèo chống khi mà Taliban vẫn ở bên kia chiến tuyến.
Do vậy, việc để Taliban mở văn phòng đại diện tại Qatar là sự mở đầu cho tiến trình hòa giải được cho là sẽ vô cùng gập ghềnh của Afghanistan. Ngoài quan điểm luôn coi Tổng thống H.Karzai là "bù nhìn" do Mỹ dựng nên, về cơ bản phong trào cực đoan Taliban có sự khác biệt về quan điểm chính trị cũng như việc áp dụng luật Hồi giáo tại quốc gia Nam Á. Sự khác biệt ấy chắc chắn không thể một sớm một chiều có thể được thu hẹp nhanh chóng. Tuy nhiên, việc các tay súng Taliban ngồi vào bàn đàm phán nhằm kiến tạo một nền hòa bình lâu dài tại Afghanistan là có lợi cho cả Kabul, Washington lẫn Taliban. Điều này được hy vọng sẽ tạo động lực để quá trình chuyển giao trách nhiệm bảo vệ an ninh cho các lực lượng Afghanistan của Mỹ và các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra suôn sẻ hơn. Mục tiêu lớn nhất là giúp giảm được các vụ tấn công khủng bố, mang lại bình yên cho người dân quốc gia này. Thêm vào đó, sự thống nhất ấy sẽ là tạo thuận lợi cho cuộc tổng tuyển cử tới đây tại quốc gia Nam Á này cũng như Thỏa thuận an ninh song phương (BSA) giữa Kabul và Washington. Với Taliban, động thái từ Chính phủ Afghanistan đã tạo cơ hội cho các tay súng của tổ chức này chấm dứt hơn một thập kỷ trốn chạy đầy rủi ro. Việc hòa giải với Kabul cũng mở ra những thời cơ để Taliban được công nhận như một phong trào Hồi giáo chính thống. Tất nhiên để tiếp tục mở rộng cánh cửa hòa bình vừa hé mở chắc chắn sẽ đòi hỏi nhiều thiện chí và sự nỗ lực từ cả hai phía.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.