(HNM) - Cuộc nổi dậy của phe đối lập tại Cưrơgưxtan (ngày 6-4), lật đổ chính quyền của Tổng thống Cuamanbếch Bakiép không những đẩy chính trường quốc gia Trung Á này vào một diễn biến phức tạp, khó lường mà còn tạo hệ lụy mới, thách thức các quốc gia đang tranh giành ảnh hưởng tại đây.
Oasinhtơn là một ví dụ. Cho dù trả lời phỏng vấn báo chí ngày 9-4, Tổng thống C.Bakiép tuyên bố không từ chức và không có kế hoạch rời đất nước, nhưng với việc Thủ tướng lâm thời Rôda Ôtumbaiêva tuyên bố chính quyền mới của Cưrơgưxtan không đàm phán với ông Bakiép và ông này phải từ chức, rõ ràng chính quyền của Tổng thống Mỹ Barắc Ôbama đang mất đi một sự ủng hộ vốn có trong cuộc chiến tại Ápganixtan. Từ nhiều ngày nay, tương lai căn cứ không quân Mỹ tại sân bay quốc tế Manát của Cưrơgưxtan đã làm đau đầu giới chức Lầu Năm Góc.
Căn cứ không quân Mỹ tại sân bay quốc tế Manát của Cưrơgưxtan. |
Trong một động thái mới, ngày 8-4, các nhà lãnh đạo chính quyền lâm thời Cưrơgưxtan thông báo không có kế hoạch đóng cửa ngay căn cứ trọng yếu của Mỹ nhằm bảo đảm hậu cần cho binh sĩ liên quân ở Apganixtan, nhưng những người đang kiểm soát tình hình tại Cưrưgưxtan cũng vừa phát đi thông điệp sẽ không cam kết gì khi thời hạn hợp đồng giữa Mỹ và Cưrơgưxtan liên quan đến căn cứ không quân Manát kết thúc vào tháng 7 tới. Như vậy, khả năng đàm phán lại về quyền sử dụng căn cứ Manát đang trở thành hiện thực. Hiển nhiên, điều này sẽ đặt Oasinhtơn vào thế khó khi đã đổ không ít tiền vào đầu cầu hàng không trọng yếu này.
Quân đội Mỹ bắt đầu hoạt động tại căn cứ Manát từ tháng 12-2001, ngay sau khi tấn công Ápganixtan. Cùng với chức năng chuyển quân đến và đi khỏi vùng chiến sự, căn cứ Manát còn là trung tâm tiếp nhiên liệu cho máy bay chiến đấu Mỹ thực hiện nhiệm vụ trên bầu trời Ápganixtan và căn cứ này trở nên quan trọng hơn khi Udơbêkixtan đóng cửa căn cứ Karshi-Khanabad của Mỹ ở nước này vào năm 2005, buộc Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) dồn các hoạt động tới căn cứ Bagram ở Ápganixtan. Đóng cửa Manát sẽ gây căng thẳng thêm cho căn cứ Bagram và cho đến nay, quanh khu vực này có rất ít căn cứ không quân có thể đáp ứng máy bay lớn đường dài như Manát.
Còn nhớ, hồi năm 2009, Mátxcơva đã thuyết phục ông C.Bakiép đóng cửa căn cứ không quân Manát, với khoản viện trợ 2 tỷ USD cho Cưrơgưxtan và để giành lại sự ủng hộ từ Bikếch, Nhà Trắng đã buộc phải tăng giá thuê Manát gấp 3 lần, lên 60 triệu USD/năm và 150 triệu USD nâng cấp cơ sở hạ tầng cho Cưrơgưxtan. Tuy nhiên, việc Oasinhtơn ủng hộ ông C.Bakiép, làm ngơ trước vấn nạn tham nhũng đã khiến cho người dân quốc gia Trung Á này xem Manát như một "vết nhơ" trong quan hệ với Oasinhtơn. Do đó khi chính biến tại Cưrơgưxtan nổ ra, tương lai của Manát thật khó đoán định.
Phát ngôn viên chính thức của Lực lượng Không quân Mỹ, Thiếu tá R.Bôđơn trong tuần đã thừa nhận, do tình hình tại Cưrơgưxtan, hàng loạt chuyến bay của máy bay vận tải quân sự Mỹ đã phải hủy bỏ. Mỗi tháng, có khoảng 15.000 lính của lực lượng liên quân và 500 tấn hàng vận chuyển đến Ápganixtan và trở về qua căn cứ Manát. Ý nghĩa của căn cứ này càng quan trọng hơn khi vào đầu mùa thu này, số lính Mỹ tham chiến ở Ápganixtan tăng lên đến 100.000 người. Nhiều phương án đã được Lầu Năm Góc đặt ra nếu căn cứ Manát phải đóng cửa. Theo đó, quân đội Mỹ đã tính đến 3 tuyến đường mới, gồm: một là đi từ thủ đô Riga của Látvia tới hải cảng ở biển Bantíc rồi lên đường bộ qua Nga, Cadắcxtan và Udơbêkixtan; hai là khởi đầu ở Grudia qua Adécbaigian, vượt biển Caxpi, vòng qua Cadắcxtan và Udơbêkixtan; ba là đi vòng qua Udơbêkixtan từ Riga tới Cadắcxtan rồi qua Tatgikixtan và Cưrơgưxtan. Tuy nhiên, thỏa thuận qua 3 hành lang này với các nước chẳng những khiến cung đường dài thêm, gây tốn kém hơn, mà còn không cho phép Mỹ chuyển vũ khí và binh sĩ. Trong một động thái mới, đêm 8-4, một máy bay của không quân Mỹ mang mã hiệu CV-22 Osprey đã bị rơi tại miền Nam Ápganixtan, nơi phiến quân Taliban hoạt động mạnh, làm 3 lính Mỹ thiệt mạng. Taliban đã lên tiếng nhận đã bắn hạ chiếc máy bay này trong khi phát ngôn viên của Tỉnh trưởng tỉnh Dabun cho biết, máy bay rơi do các vấn đề kỹ thuật…
Trong khi tình hình tại Ápganixtan chưa thể kiểm soát, vụ chính biến tại Cưrơgưxtan, trạm trung chuyển lớn về khí tài, thiết bị cho lực lượng liên quân tại Ápganixtan đã khiến cuộc chiến chống khủng bố mà Oasinhtơn đang nỗ lực thực hiện thêm khó khăn, không dễ giải quyết trong tương lai gần.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.