(HNM)- Vùng ngoại ô đang diễn ra những trận ngập nước không thể kiểm soát được. Cái
Để làm dự án khu dân cư diện tích 10ha tại phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, ông Nguyễn Viết Tạo - Giám đốc Công ty N.V.T đã lập dự án đầu tư 90 tỷ đồng để làm đê bao kiên cố xung quanh nhằm kết nối với các đoạn đê bao của Sở NN-PTNT xây dựng. Đê bao sẽ chạy ven theo hơn 1km bờ sông của dự án khu dân cư, với phần mặt đường đủ rộng để các phương tiện vận tải có thể cơ động dọc bờ sông Vĩnh Bình nhằm ứng cứu người dân nếu có các sự cố xảy ra. Ông Tạo khẳng định, trong khi chờ các dự án đê bao chống ngập của Chính phủ và TP, thì doanh nghiệp phải tự cứu lấy mình trước đã!
Thống kê mới nhất của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP Hồ Chí Minh cho biết khu vực ven hệ thống sông Sài Gòn-Đồng Nai có đến 45 điểm đê bao thường xuyên bị "sự cố". Điều đáng lưu ý là các điểm đê bao này thuộc các tuyến kênh rạch chảy qua các khu vực trũng, thấp có mật độ dân số cao do tốc độ đô thị hóa nhanh như huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ, quận 12.
Khu vực ngoại thành lại đang đối mặt với nguy cơ ngập lụt vì hệ thống đê bao đang được thi công kiểu chắp vá khi kinh phí đầu tư bị chẻ nhỏ. TS Hồ Long Phi, Phó ban chỉ đạo Chương trình Chống ngập nước thuộc Trung tâm Điều hành chống ngập TP Hồ Chí Minh (TTCN), tình hình ngập nước diễn biến khá phức tạp. Đặc biệt, ở những khu vực cao của thành phố từ trước đến nay chưa bao giờ ngập nhưng nay cũng bắt đầu ngập như quận 12, quận Gò Vấp, huyện Hóc Môn… Không chỉ có thế, những nơi này còn trở thành khu vực có số lượng các điểm ngập gia tăng nhanh nhất trong thời gian qua. Ngay cả dự án chống ngập do lũ tiêu biểu là công trình thủy lợi bờ hữu sông Sài Gòn, đoạn từ sông Vàm Thuật (quận 12) đến Nam rạch Tra (huyện Hóc Môn), với vốn đầu tư 454 tỷ đồng vừa được hoàn thành giai đoạn 1 vào ngày 10-6-2010, cũng chỉ giúp ngăn nước sông Sài Gòn một cách cục bộ. Lý do là chỉ có khoảng 49km trong tổng số 67km đê bao được hoàn thành, cùng 174 cống ngăn nước trong số 211 cống theo thiết kế được vận hành. Phải đến cuối năm 2010 khi toàn bộ dự án nếu có thể hoàn thành đúng tiến độ thì mục tiêu ngăn lũ và triều cường cho 3.560ha đất, vốn thường xảy ra vỡ bờ bao, gây ngập úng cục bộ, mới thành hiện thực. Nhưng dù vậy, những điểm đê bao khác thuộc địa bàn quận Thủ Đức gần đó, vì chỉ đắp đất và đóng cừ tràm gia cố, vẫn phải đối mặt với nguy cơ vỡ bờ. Khi đó, nước sông vẫn sẽ tràn vào và dồn ứ lên thượng nguồn phía sau lưng công trình thủy lợi hữu sông Sài Gòn vì không có đường thoát do ảnh hưởng của triều cường.
Đi tìm nguyên nhân của tình trạng này không khó… Trước đây, những địa phương nêu trên, thoát nước chủ yếu xuống các sông, kênh rạch quanh vùng. Nay khi nhiều khu dân cư mới mọc lên, lấp đi nhiều kênh rạch, đường đất bị bê tông hóa, nước không có chỗ thoát, chỗ thấm xuống đất nên đọng lại và gây ngập.
Nhận định về hiện tượng các khu đô thị mới phải chịu cảnh nước ngập mỗi khi mưa to hoặc triều cường lớn, Giáo sư Lê Huy Bá, Viện trưởng Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường thuộc ÐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh cho rằng: Những sai lầm trong quá trình đô thị hóa thiếu tầm nhìn khi gần 7.000ha đất trũng vùng ven đã được san lấp để xây dựng các cụm công nghiệp, cùng hàng chục nghìn ha đất nông nghiệp đã được phân lô xây dựng nhà ở. Khi chỗ lưu nước bị chiếm thì hàng triệu mét khối nước mưa cũng như nước sông rạch dâng lên do triều cường sẽ bị ứ lại và dồn ngược về phía nội thành làm cho hiện tượng ngập úng ngày càng tồi tệ.
Ông Đào Xuân Học, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết: Ngoài điều chỉnh lại cao độ xây dựng để chống ngập do triều cường và mưa, các cơ quan chuyên môn của bộ và UBND TP Hồ Chí Minh đã có phương án điều hòa lũ trong điều kiện lũ tràn từ thượng nguồn về. Cụ thể, sẽ xây dựng đê nhân tạo để điều hòa lũ theo hai hướng: ra sông Thị Vải và khu vực nông trường Lê Minh Xuân, để bảo vệ an toàn các khu đô thị của TP.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.