Liên quan đến vụ giết người trên đường Phạm Văn Đồng, chiều 19/8, lãnh đạo CATP Hà Nội khẳng định đối tượng Lê Trung Kiên (Phó Ban tổ chức Quận uỷ Cầu Giấy) bị bắt về hành vi giết người.
Sau khi ông Kiều Hồng T. (SN 1961, ở phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), là chủ thầu xây dựng, đang lái ô tô trên đường Phạm Văn Đồng vào sáng 5/8 bị đâm chết, Công an Hà Nội đã nhanh chóng vào cuộc điều tra, chỉ mấy tiếng sau đã bắt khẩn cấp ba đối tượng về tội giết người, gồm: Hoàng Anh Tuấn; Lê Hồng Thuận; Nguyễn Kim Bình. Mở rộng điều tra, ngày 8/8, cơ quan công an bắt giữ tiếp ông Lê Trung Kiên (SN 1971), Phó ban Tổ chức Quận ủy Cầu Giấy, Hà Nội và Nguyễn Quốc Văn (SN 1961, ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy), Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần đầu tư xây dựng Thương mại tổng hợp và kinh doanh bất động sản vì có liên quan đến vụ án. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, cơ quan điều tra chưa tiết lộ việc bắt giữ hai người này về hành vi cụ thể gì...
Nạn nhân Kiều Hồng Thành (ảnh nhỏ) và hiện trường vụ giết tài xế trên ô tô. |
Xác định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, CQĐT đã tiến hành điều tra và xác định đối tượng Văn chính là góc khuất của vụ án. Mặc dù, ngay sau khi bị bắt, đối tượng Nguyễn Kim Bình đã cố tình khai gian dối nhằm nhận tội thay cho Văn. Tuy nhiên, qua điều tra mở rộng vụ án, CQĐT đã xác định những dấu hiệu của việc Văn thuê người dằn mặt ông T. dẫn đến án mạng.
Tiếp tục quá trình tìm hiểu nguyên nhân của vụ việc, chúng tôi được biết, trước khi dẫn đến nợ nần rồi bị sát hại, ông T. và Văn có mối quan hệ làm ăn với nhau bởi một nhẽ: Cả hai đều là giám đốc công ty chuyên về xây dựng và bất động sản, đều có trụ sở ở Hà Nội. Theo đó, dựa vào các mối quan hệ của mình, đối tượng Văn thường đứng ra đấu thầu các công trình xây dựng trên địa bàn TP. Hà Nội, sau đó "bán" công trình cho một số công ty khác để thi công, trong đó có công ty của ông T..
Đại diện một chủ thầu xây dựng đã từng có thời gian là đối tác của Văn cho biết, thời gian đầu, chuyện tài chính luôn được hai bên giàn xếp ổn thỏa. Tuy nhiên, càng về sau, do gặp nhiều khó khăn nên các đối tác của Văn lâm vào cảnh nợ nần. Cũng vì vấn đề đó mà công ty và bản thân đối tượng Văn thường xuyên phải đối mặt với việc bị đòi nợ và "khủng bố" tinh thần. Việc công ty của Văn ở phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, bị nhiều người đến đòi nợ, hay việc bị ném chất bẩn vào nhà, vào công ty cũng không phải là chuyện hiếm.
Quá trình tìm hiểu thông tin, chúng tôi được biết do nhiều lần đến công ty của Văn đòi nợ, nhưng thay vì không thu được nợ, ông T. lại bị Văn đe dọa, thách thức nên ông này đã nảy sinh suy nghĩ sẽ tố cáo cơ quan chức năng về chất lượng của một số công trình mà công ty của Văn thi công ở khu vực Cầu Giấy và Từ Liêm. Nghĩ là làm, ông T. đã tiến hành lấy các chữ ký, ý kiến của các hộ dân đồng thời đối chiếu với các hồ sơ, thiết kế thi công của các công trình được xác định là kém chất lượng để tố cáo. Tuy nhiên khi chưa thực hiện được điều này, ông T. đã bị các đối tượng hạ sát vào sáng mùng 5/8.
Từng được nương nhẹ vì quan hệ "khủng" (?!)
Theo tìm hiểu của PV báo Đời sống và Pháp luật, do có những mối quan hệ thuộc hạng "khủng" ở địa phương, nên từ nhiều năm trở lại đây, công ty cổ phần đầu tư xây dựng, thương mại tổng hợp và kinh doanh bất động sản của Nguyễn Quốc Văn thường được ưu ái nhận nhiều gói thầu béo bở. Những công trình Văn được nhận chủ yếu là các công trình công cộng, nằm trên địa bàn quận Cầu Giấy và huyện Từ Liêm (cũ).
Cụ thể, theo một nguồn tin PV báo Đời sống và Pháp luật tiếp cận được, công ty của Văn đã thi công những công trình sau: Xây dựng nhà họp tổ dân phố 15-16 phường Nghĩa Đô; xây dựng công trình đường thoát nước trường PTCS Yên Hòa; xây dựng và cải tạo VKS quận Cầu Giấy, xây dựng và cải tạo trụ sở UBND phường Trung Hòa, xây dựng nhà văn hóa xã Cổ Nhuế, xây dựng HTX nông nghiệp xã Xuân Phương, xây dựng và cải tạo trường mầm non Xuân Đỉnh B...
Tuy nhiên, đi kèm với danh sách dài những công trình đã thi công, cũng là danh sách dài những công trình mà công ty xây dựng của Văn vướng vào khiếu kiện, chủ yếu đến từ nghi vấn rút ruột công trình. Thế nhưng, theo phản ánh, vẫn chưa được chính quyền sở tại xử lý đúng mực.
Nguồn tin cho rằng, với quan hệ của mình, các cấp chính quyền nơi Văn mắc lùm xùm đã hết mực bao che cho những hành vi sai trái. Đến khi không thể bao che được nữa thì mới quyết định giơ cao đánh vào... bị bông.
Theo đó, tại dự án nâng cấp đường, rãnh thoát nước thôn Hồng Ngự - thôn Đình - thôn Đông Sen (xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm cũ) với tổng mức đầu tư hơn 3,5 tỉ đồng, ngay từ đầu, công ty của Văn đã "dính" vào hàng loạt những tố cáo về việc thi công không đảm bảo, sử dụng vật liệu không cùng tiêu chuẩn với hồ sơ mời thầu... Những người tố cáo thậm chí đã đưa ra được những dẫn chứng rất sát thực về các sai phạm này.
Tuy nhiên bất chấp tất cả, đơn vị chủ đầu tư là UBND xã Thụy Phương vẫn thanh toán thừa khối lượng thực tế, thanh toán cho cả những hạng mục thi công không đảm bảo chất lượng, không đúng thiết kế... Thậm chí, khi sự thật bị phanh phui, tại công văn trả lời số 272/UBND-TP ngày 29/3/2011, những người có trách nhiệm tại UBND xã còn giải thích việc báo cáo lên cấp trên là nhầm do lỗi đánh máy. Phê duyệt "cát vàng" nhưng đơn vị thi công bằng "cát đen" cũng là do đánh máy... và đồng ý thu hồi về ngân sách số tiền "thanh toán thừa" là gần 100 triệu đồng, còn đơn vị thi công không bị chịu bất cứ một trách nhiệm nào (?!).
Tiếp đó, tại dự án xây kè đá, cải tạo môi trường ao Gồ (xã Tây Tự, huyện Từ Liêm cũ), đơn vị thi công là công ty của Văn cũng liên tục bị bà con khiếu kiện. Nguyên nhân vì khi thi công, nhà thầu không nạo hút bùn đất ở lòng ao mà chỉ tháo nước và tiến hành kè đá luôn, khiến công trình bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đáng chú ý, khi được người dân góp ý, đơn vị thi công vẫn hoàn toàn bỏ ngoài tai.
Theo tìm hiểu của PV, ngay tại thời điểm nhà thầu đang thi công, ông Bùi Trung Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Tựu đã phát hiện ra khuất tất và có Báo cáo số 18/BC-UBND gửi Chủ tịch UBND xã Tây Tựu, thế nhưng không hiểu sao nhà thầu vẫn thi công một cách "suôn sẻ".
Quá bất bình với kiểu thi công gian dối của nhà thầu, nghi ngờ có sự "tiếp tay" từ phía chính quyền xã, người dân đã làm đơn tố cáo gửi các ngành chức năng.
Xác định đây là vụ việc phức tạp, gây ảnh hưởng xấu đến chủ trương xây dựng nông thôn mới, UBND huyện Từ Liêm đã thành lập đoàn kiểm tra để xác minh. Kết luận giải quyết đơn thư tố cáo của công dân xã Tây Tựu (số 393/KL-UBND) của UBND huyện Từ Liêm đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quá trình thi công.
Phải chăng chính sự nương nhẹ và bao che của chính quyền khiến công ty của Văn càng lún sâu vào những sai phạm?
Đời sống và Pháp luật sẽ tiếp tục cập nhật tới bạn đọc những thông tin chấn động liên quan đến vụ án đang được dư luận đặc biệt quan tâm này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.