(HNMO) - Những ngày qua, một số ngân hàng thương mại đã bắt đầu công bố kết quả hoạt động kinh doanh năm 2014. Chưa đầy đủ nhưng kết quả ban đầu cho thấy khả quan.
Công bố sớm là khối ngân hàng thương mại nhà nước. Ngày 11/1, Ngân hàng thương mại Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, ngay trong năm đầu tiên cổ phiếu BIDV được niêm yết trên thị trường, BIDV đã hoàn thành toàn diện, vượt trội các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh được đại hội đồng cổ đông phê duyệt, đảm bảo tỷ lệ chi trả cổ tức không thấp hơn 9% đã cam kết với cổ đông, định hạng tín nhiệm được nâng cao.
Cụ thể, tổng tài sản BIDV tăng trưởng tốt, đạt trên 655 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 18%); dư nợ tín dụng đạt trên 461 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 18,9%, cơ cấu và tăng trưởng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo đúng định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước; tỷ lệ nợ xấu đạt 1,8% (thấp hơn so với mức 3% theo quy định); nguồn vốn huy động tăng trưởng tốt, đáp ứng đủ cho nhu cầu sử dụng vốn, đảm bảo an toàn hoạt động (thị trường 1 đạt 502 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 20%; thị trường 2 gồm vay trong nước, nước ngoài đạt trên 55 nghìn tỷ đồng). Lợi nhuận trước thuế của nhà băng này đạt 6.065 tỷ đồng, tăng trưởng 20%.
Lợi nhuận của TPBank tốt hơn so với dự báo, đạt trên 536 tỷ đồng, bằng 122% kế hoạch năm. |
Trước đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã công bố kết quả kinh doanh năm 2014 với lợi nhuận trước thuế là 3.238 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2013, đạt 101% kế hoạch năm 2014. Tính đến hết năm 2014, tổng tài sản có của Agribank đạt 762.869 tỷ đồng, tăng 10,08% so với năm 2013; tổng nguồn vốn đạt 690.191 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cuối năm 2013, trong đó, tiền gửi dân cư tăng trưởng tốt, chiếm tỷ trọng 78,4% vốn huy động. Tổng dư nợ cho vay đạt 605.324 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn duy trì mức độ tăng trưởng, đạt 411.295 tỷ đồng, tăng 32.310 tỷ đồng (+8,5%) so với năm 2013, chiếm tỷ trọng 74,3%/tổng dư nợ.
Ngân hàng thương mại Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chưa công bố con số chính thức song theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương (VCBS), lợi nhuận trước thuế của Vietcombank ước đạt 5.680 tỷ đồng, cao hơn kế hoạch là 5.500 tỷ đồng, tăng 2% so với năm trước, các hoạt động kinh doanh chính vẫn giữ được đà tăng trưởng khá và nợ xấu được kiểm soát tốt.
Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) là một trong số ít nhà băng công bố sớm nhất. Kết thúc năm tài chính 2014, tổng tài sản của ngân hàng này đạt trên 51.500 tỷ đồng, dư nợ tín dụng tăng trưởng trên 50% so với đầu năm.
Lợi nhuận (sau khi trích đủ dự phòng tín dụng) của TPBank tốt hơn so với dự báo, đạt trên 536 tỷ đồng, bằng 122% kế hoạch năm. Chất lượng tín dụng được kiểm soát tốt, xử lý và thu hồi được nhiều khoản nợ xấu cũ và không để phát sinh mới nên tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm chỉ ở mức 1%, thấp hơn rất nhiều so với mức 3% cho phép theo quy định.
Các chỉ tiêu hoạt động khác của TPBank so với kế hoạch đều vượt như: Tổng huy động đạt trên 47 nghìn tỷ đồng, bằng 105% kế hoạch; số lượng khách hàng tăng trưởng gấp 2 lần so với 2013.
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) chưa công bố nhưng theo một nhân viên của nhà băng này, năm 2014 hoạt động kinh doanh của Techcombank tốt hơn năm 2013, do đó, lợi nhuận dự báo khả quan hơn…
Rõ ràng, so với năm 2013, kết quả kinh doanh năm 2014 được ngân hàng công bố sớm hơn, thường khi hoạt động kinh doanh tốt thì kết quả lợi nhuận được công bố sớm. Như vậy, một phần bức tranh lợi nhuận ngân hàng đã được hé lộ, mà một phần bức tranh này đã cho thấy điểm sáng, phần nào phản ánh sự khởi sắc nói chung của nền kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.