(HNM)- Năm 1997, được Thủ tướng Chính phủ giao hơn 9.000m2 đất để xây dựng Trung tâm Khoa học thử nghiệm công nghệ vật liệu xây dựng và kỹ thuật xây dựng, Tổng Công ty Thành An đã từng bước chuyển đổi mục đích sử dụng và cuối cùng
Khu đất “bán lúa non” của Tổng Công ty Thành An. Ảnh: Thanh Tùng
Thành lập năm 1996, là tiền thân của Binh đoàn 11 (Bộ Quốc phòng), một thời Tổng Công ty (TCT) Thành An nổi danh là một doanh nghiệp hàng đầu của quân đội trong lĩnh vực xây lắp. Vậy nhưng, chỉ sau thời gian ngắn, TCT Thành An liên tiếp gặp khó khăn về tài chính, nợ xấu chồng chất lên tới con số hàng trăm tỷ đồng. Năm 1997, TCT Thành An được Thủ tướng Chính phủ giao thửa đất có diện tích 9.174,3m2 tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội để xây dựng Trung tâm Khoa học thử nghiệm công nghệ vật liệu xây dựng và kỹ thuật xây dựng. Do vướng mắc trong việc bàn giao mốc giới, giải tỏa đền bù tại khu đất này, năm 2004, Tổng cục Hậu cần đã xây dựng Trung tâm Khoa học thử nghiệm tại một địa điểm khác, đồng thời có công văn gửi Bộ Quốc phòng xin chuyển đổi mục đích sử dụng mảnh đất tại phường Nhân Chính. Ngày 16-2-2009, Bộ Quốc phòng có Công văn số 637/BQP - TM đề nghị UBND thành phố Hà Nội thu hồi diện tích đất trên, giao TCT Thành An quản lý để xây dựng chung cư gia đình, kết hợp dịch vụ thương mại và trụ sở làm việc. Sau khi xem xét, ngày 31-12-2009, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 6922/QĐ-UBND, cho phép TCT Thành An chuyển đổi mục đích sử dụng 8.334m2 đất quốc phòng sang xây dựng dân dụng, đồng thời thu hồi 806m2 đất tại phường Nhân Chính, giao đơn vị này thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu chung cư để bán và văn phòng làm việc cho thuê.
Tuy nhiên, trên thực tế, trước khi có văn bản đồng ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất của UBND TP Hà Nội, ngày 1-6-2009, ông Bùi Quang Vinh - Tổng Giám đốc TCT Thành An đã ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh số 09/2009/HĐHTKD với 4 doanh nghiệp cổ phần ngoài quân đội, gồm: Công ty Phát triển nhà Hà Nội số 41, Công ty Tài nguyên, Công ty Đầu tư và phát triển Tây Bắc và Công ty Đầu tư xây dựng Hải Vân, do Công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 41 làm đại diện để xây dựng tòa nhà văn phòng 12 tầng, chung cư 24 tầng và 9 biệt thự nhà vườn, mỗi căn cao 3,5 tầng. Tiếng là hợp tác kinh doanh, song về bản chất, TCT Thành An đã "bán lúa non" toàn bộ dự án.
Theo hợp đồng số 09/2009/HĐHTKD ngày 1-6-2009, "vốn góp" của TCT Thành An là toàn bộ thửa đất diện tích 9.174,3m2 tại phường Nhân Chính, đổi lại TCT Thành An được hưởng 100 tỷ đồng lợi nhuận ứng trước (sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ còn lại 75 tỷ đồng), kèm theo "đặc quyền" giới thiệu danh sách bán 2 căn biệt thự, 20% sàn chung cư tương đương 40 căn hộ cho các đối tượng trong nội bộ quân đội trên nguyên tắc thanh toán đầy đủ cho đối tác mọi chi phí được Bộ Quốc phòng phê duyệt. Cũng theo hợp đồng này, sau khi nhận 100 tỷ đồng lợi nhuận ứng trước, TCT Thành An sẽ rút khỏi dự án, giã từ vai trò làm chủ đầu tư, mọi vấn đề về phương án kinh doanh, giá thuê, giá chuyển nhượng... phía đối tác được toàn quyền quyết định.
Đáng chú ý, vào thời điểm giữa năm 2009, khu dự án có vị trí đắc địa, nằm tại góc hai con đường Ngụy Như Kon Tum và Lê Văn Thiêm có giá trị không dưới 100 triệu đồng/m2. Với tổng diện tích dự án trên 9.000m2, TCT Thành An đã sở hữu một khu "đất vàng" tương đương 1.000 tỷ đồng. Vậy nhưng, với bản hợp đồng này, TCT Thành An đã bán luôn trụ sở làm việc cho đối tác kinh doanh (!?)
Cũng với tính chất liên kết kinh doanh tương tự, ngày 18-11-2009, ông Vinh, Tổng Giám đốc TCT Thành An tiếp tục ký hợp đồng không số với Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Ba Đình để xây dựng dự án "Thành An Tower" trên diện tích 4.910m2 tại địa chỉ 21 Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân. Thương vụ "bán lúa non" lần thứ hai đem lại cho TCT Thành An số tiền "lợi nhuận" vẻn vẹn 150 tỷ đồng. Nhận định về hai hợp đồng hợp tác kinh doanh "khó hiểu" của TCT Thành An, lãnh đạo một đơn vị thành viên thuộc TCT Thành An chua xót: "Trong khi các đơn vị thành viên phải vất vả tìm kiếm các dự án thì hai dự án lớn với tổng số trên 14.000m2 đất của TCT lại bị mang bán cho người ngoài với giá quá rẻ mạt. Nếu lúc đó TCT công khai thông tin, chắc chắn nhiều đơn vị thành viên sẽ nhiệt tình đón nhận!". Về vấn đề này, ông Vinh lý giải: "Năm 2009, do khó khăn về tài chính, TCT không có khả năng về vốn để tự đầu tư nên phải chọn phương án hợp tác kinh doanh. Thời điểm đó, toàn TCT không có đơn vị nào đủ khả năng về vốn để thực hiện hai dự án lớn nêu trên. Phải khó khăn lắm TCT mới tìm được 4 "đại gia" để ký kết hợp đồng liên kết...". Cũng theo ông Vinh, nhờ "giải pháp" này ông đã "vực dậy" TCT Thành An từ chỗ thua lỗ hàng trăm tỷ đồng trở thành đơn vị làm ăn có lãi (!?).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.