Ngày 30-1, đại diện 5 nước ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc, gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp, đã nhóm họp tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) nhằm thảo luận về tiến trình giải trừ và chống phổ biến vũ khí hạt nhân.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ chuyên trách về kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế Andrea Thompson cho rằng, có một sự "không đồng đều" giữa các kết quả về những nỗ lực thúc đẩy tính minh bạch theo quy định của Hiệp ước Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).
Theo bà Thompson, mặc dù trước đó các bên đã nhất trí thiết lập một quy chuẩn báo cáo, song "sự khác biệt giữa các báo cáo của Mỹ so với của Nga và Trung Quốc lại rất lớn".
Quan chức này cho rằng các bên cần báo cáo đầy đủ và tăng cường tính minh bạch về các chương trình hạt nhân.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cảnh báo, "sự lan truyền của các quan điểm đơn phương" là một mối đe dọa đối với những nỗ lực chống phổ biến hạt nhân.
Ông nhấn mạnh, "rất nhiều vấn đề tiếp tục không được giải quyết do thiếu quyết tâm chính trị", đồng thời thừa nhận một thực tế hiện 5 nước tham gia Hiệp ước Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân vẫn thiếu "sự tin cậy lẫn nhau".
Theo quan chức này, thực trạng trên khiến Hiệp ước Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân ngày càng "lỏng lẻo", gây ra những tác động nghiêm trọng và tiêu cực đối với nỗ lực chống phổ biến vũ khí hạt nhân.
Cuộc họp giữa 5 nước thành viên thường trực HĐBA Liên hợp quốc diễn ra trong bối cảnh Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) từ ngày 2-2 tới, khiến quan hệ giữa Washington và Mocow thêm căng thẳng. Nga cũng đã đề xuất tổ chức một vòng đàm phán mới với Mỹ tại Bắc Kinh về vấn đề trên.
Trước đó, trao đổi với báo giới cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nêu rõ: "Nếu Mỹ chấp nhận đề xuất của chúng tôi, các cuộc thảo luận sẽ diễn ra".
Nếu được tiến hành, các cuộc thảo luận này sẽ diễn ra trước ngày 2-2.
INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8-12-1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-6-1988.
Theo INF, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500-5.500km).
Tuy nhiên, ngày 21-10-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước khi chế tạo tên lửa “Novator 9M729” và bóng gió về khả năng Mỹ rút khỏi INF.
Đến ngày 4-12-2018, Mỹ đã đặt thời hạn cho Nga trong vòng 60 ngày phải hủy bỏ các loại tên lửa mà nước này cho là vi phạm INF hoặc Washington sẽ bắt đầu tiến trình chính thức rút khỏi INF trong vòng 6 tháng.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định Moscow sẵn sàng hợp tác với Washington để bảo vệ INF, sau khi các cuộc đàm phán song phương tại Gevena (Thụy Sĩ) trong tháng này nhằm khơi thông bế tắc không thu được bất kỳ kết quả nào.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.