(HNMO) - Rạng sáng 4/8 (giờ Hà Nội), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức cuộc họp khẩn để thảo luận về vụ Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Rodong ngày 3/8.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho biết "vô cùng lo ngại" trước cuộc thử nghiệm này của Triều Tiên. |
Theo yêu cầu của Nhật Bản và Mỹ, cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã diễn ra và kéo dài khoảng 2 giờ, tuy nhiên Hội đồng Bảo an đã không ra được tuyên bố về vấn đề này.
Phát biểu sau cuộc họp, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Samantha Power đã kêu gọi "phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ từ Hội đồng Bảo an", khẳng định vụ phóng tên lửa này là mối đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh khu vực.
Trước đó cùng ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho biết "vô cùng lo ngại" trước cuộc thử nghiệm này của Triều Tiên. Ông Stéphane Dujarric, phát ngôn viên của Tổng thư ký Ban Ki-moon cho biết "đây thật sự là hành động phá hoại hòa bình và ổn định khu vực".
"Chúng tôi xin nhắc lại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên hãy chú ý tới lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế, ngưng các hành động gây hấn và trở lại đàm phán thẳng thắn", ông Stephane Dujarric nói.
Cùng ngày, Mỹ, Nhật Bản và 10 nước thành viên Hội đồng Bảo an đã gửi một công hàm chung lên Liên hợp quốc, để nghị tổ chức này điều tra các vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
Cuộc điều tra này có thể xác định những các cá nhân và công ty có dính líu tới chương trình tên lửa của Triều Tiên và những đối tượng này có thể phải chịu một số biện pháp trừng phạt như không được cấp thị thực đi lại trên toàn cầu và bị phong tỏa tài sản.
Ngoài Mỹ và Nhật Bản, công hàm này có chữ ký của các thành viên trong Hội đồng Bảo an gồm Anh, Pháp, Malaysia, New Zealand, Senegal, Tây Ban Nha, Ukraine và Uruguay. Tuy nhiên, Trung Quốc và Nga không tán thành đề nghị này.
Tổng cộng Hội đồng Bảo an đã 6 lần ra tuyên bố lên án các vụ thử tên lửa của Triều Tiên vào tháng Tư, Năm và Sáu vừa qua. Tuy nhiên, cơ quan này chưa có phản ứng trước vụ Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm song bất thành hôm 9/7 vừa qua cũng như hai vụ phóng thử tên lửa tầm ngắn Scud và tên lửa tầm trung Rodong hôm 19/7 vừa qua.
Vụ phóng thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên hôm 3/8 vừa qua là lần đầu tiên tên lửa đạo đạo của nước này đáp xuống khu vực gần, thậm chí có thể là bên trong vùng biển do Nhật Bản kiểm soát.
Triều Tiên đã tiến hành hàng loạt vụ phóng tên lửa liên tiếp kể từ đầu năm đến nay bất chấp việc Liên hợp quốc đưa ra những lệnh trừng phạt khắt khe nhất vì vụ thử hạt nhân lần thứ tư của nước này.
Động thái của Triều Tiên được cho là nhằm phản đối việc Mỹ lắp đặt Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.