(HNM) - Là một trong số 193 nước thành viên của Liên hợp quốc cam kết ủng hộ và thực hiện Ngày Quốc tế hạnh phúc 20-3, năm 2014, lần đầu tiên Việt Nam phát động chương trình hưởng ứng Ngày Quốc tế hạnh phúc với chủ đề
Hạnh phúc bền vững là mục tiêu lớn nhất
Hạnh phúc có thể là khái niệm trừu tượng. Nhưng, theo tiêu chí chung về hạnh phúc là mức độ hài lòng với cuộc sống, Việt Nam được đánh giá là đất nước có chỉ số hạnh phúc đứng thứ hai thế giới. Kết quả này dựa trên khảo sát của Quỹ Kinh tế mới (NEF) tại Anh công bố năm 2012 theo công thức: Lấy chỉ số hài lòng cuộc sống (HPI) nhân với tuổi thọ trung bình rồi chia cho chỉ số dấu ấn sinh thái (EF). Theo cách tính trên, mức độ hài lòng với cuộc sống phụ thuộc phần lớn vào chỉ số dấu ấn sinh thái, chỉ số này càng nhỏ thì mức độ hạnh phúc càng cao. Trong bối cảnh Việt Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, lại đang trong quá trình phát triển, mức độ khai thác tài nguyên, môi trường chưa quá cao nên dấu ấn sinh thái đậm nét hơn một số quốc gia và đó là điều dễ hiểu. Vì thế, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam không nên ảo tưởng về thứ hạng này.
Bảo đảm cho trẻ được học hành đến nơi đến chốn là một việc làm thiết thực để xây dựng xã hội hạnh phúc. Ảnh: Bá Hoạt |
Tại hội thảo "Chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ" do Vụ Gia đình (Bộ VH,TT&DL) tổ chức cuối năm 2013, đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết: 58% phụ nữ kết hôn ở Việt Nam đã từng chịu bạo hành về thể xác hoặc tinh thần; cứ 4 phụ nữ có con dưới 15 tuổi thì có 1 người cho biết con của họ từng bị chồng bạo hành về thể xác. Đáng lo ngại hơn, theo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, 60% số vụ ly hôn hiện nay thuộc về các gia đình trẻ (tuổi vợ chồng 23 - 30), trong đó 70% ly hôn khi mới kết hôn 1 - 7 năm và hầu hết đã có con.
Ở một góc độ nào đó, những con số trên cho thấy, sự bất bình đẳng giới, tình trạng bạo lực gia đình và làn sóng "ly hôn xanh" chưa được khắc phục triệt để. Một bộ phận người dân Việt Nam chưa có hạnh phúc đầy đủ - theo quan niệm của số đông người Việt là có đủ cơm ăn, áo mặc, các thành viên trong gia đình được học hành đến nơi đến chốn, biết yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, con cái được lớn lên trong gia đình có đầy đủ cha mẹ… Đó là chưa kể, tỷ lệ mất cân bằng giới tính với số trẻ trai sinh ra cao hơn trẻ gái, nếu không sớm được khắc phục sẽ để lại những hậu quả xã hội nặng nề trong một vài thập kỷ tới. Như vậy, xét từ nhiều góc độ, xây dựng một cộng đồng hạnh phúc bền vững là mục tiêu lớn nhất.
Chào mừng Ngày Quốc tế hạnh phúc 20-3, ngày 18-3, tại huyện Gia Lâm, Hội LHPN TP Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người (IPD) triển khai chương trình "Đề xuất chính sách cải thiện cơ hội chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 0 đến 3 tuổi tại gia đình". Bước đầu, Hội LHPN thành phố hỗ trợ thành lập 2 CLB tại xã Đặng Xá và thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm), mỗi CLB từ 30 đến 50 thành viên, sinh hoạt 1 lần/tuần, giúp các bà mẹ thực hiện phương pháp giáo dục sớm cho thai nhi và trẻ em từ 0 đến 3 tuổi trong lĩnh vực ngôn ngữ, hội họa, âm nhạc… Khánh Thu |
Cộng đồng trách nhiệm, hành động thiết thực
Nhìn lại quá trình xây dựng và phát triển đất nước, việc giữ gìn độc lập, tự do cho Tổ quốc, xây dựng cuộc sống no ấm, tiến bộ, bình đẳng, dân chủ, hạnh phúc cho nhân dân luôn là mục tiêu cao nhất của Việt Nam.
Nhằm xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và hưởng ứng Ngày Quốc tế hạnh phúc 20-3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 279/QĐ-TTg ngày 20-2 phê duyệt Đề án "Phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020". Phấn đấu từ nay đến năm 2020, 95% nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được trang bị kiến thức cơ bản về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; 95% hộ gia đình thực hiện chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi; 85% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; mỗi năm giảm 10 - 15% số hộ gia đình có bạo lực giữa vợ và chồng… Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 28-12-2013 quy định rõ, các hành vi đối xử tồi tệ với thành viên gia đình (bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người già, yếu, tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ); hành vi đánh đập, gây thương tích cho thành viên gia đình sẽ bị phạt từ 1,5 đến 2 triệu đồng…
Là cơ quan quản lý trực tiếp về công tác gia đình, Bộ VH,TT&DL đã ban hành Thông tư số 12/ 2013/TT-BVHTTDL (có hiệu lực từ ngày 3-2-2014) hướng dẫn các địa phương, các đơn vị liên quan thực hiện các chương trình, hoạt động hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững tại cộng đồng. Hưởng ứng Ngày Quốc tế hạnh phúc, các tỉnh, thành phố trên cả nước đều tổ chức hoạt động trưng bày, triển lãm, cổ động với các khẩu hiệu như: "Hãy tạo ra một môi trường sống và làm việc hạnh phúc hơn"; "Hãy để tình yêu thương sưởi ấm ngôi nhà bạn"; "Tôn trọng, lắng nghe, chia sẻ là bí quyết gìn giữ hạnh phúc gia đình"; "Gia đình là nơi bảo tồn, lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc"…
Ngoài các văn bản pháp luật về hôn nhân và gia đình; phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới…, những chính sách mới của Đảng và Nhà nước về gia đình là hành lang pháp lý hữu hiệu để bảo vệ "tổ ấm" gia đình. "Công cụ quản lý không thiếu, mức xử phạt cũng đã rõ ràng, điều quan trọng là mỗi người chúng ta hãy có ý thức, có những việc làm thiết thực để mang lại hạnh phúc cho bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội", Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Vương Duy Biên kêu gọi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.