(HNM) - Tại hội thảo về nâng cao hiệu quả chống mỹ phẩm giả vừa được Ban chỉ đạo 127 tổ chức ở Hà Nội, ông Vương Trí Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho hay:
Dọc các phố Đội Cấn, Cầu Giấy, Phạm Ngọc Thạch, Hàng Cân… không khó để nhận thấy nhiều shop mỹ phẩm lớn với các biển quảng cáo bắt mắt: giảm giá đặc biệt, giảm giá cuối mùa, giảm giá 50% các thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng như Lancôme, L'Oreal, Maybeline, MAC… Đáng chú ý các sản phẩm đều có tem chống hàng giả. Theo bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, đại diện L'Oreal Việt Nam, công ty này không bao giờ có chương trình giảm đến 45-50% giá sản phẩm.
Hiện nay, thị trường Hà Nội có rất nhiều loại mỹ phẩm giả được bày bán.
Ảnh: Khánh Nguyên
Có rất nhiều cách để bán hàng giả lòe người tiêu dùng. Theo đại diện L'Oreal Việt Nam, từng có hiện tượng shop chuyên bán mỹ phẩm giả mua một vài sản phẩm thật để bày và khi giới thiệu, tư vấn cho khách hàng, họ đưa ra những sản phẩm giả. Kỹ nghệ bắt chước của các nhà sản xuất hàng giả khá kỳ công, nên với một số sản phẩm giả, như phấn bột True match khoáng chất, chỉ có thể phân biệt thật - giả nếu để hai sản phẩm cạnh nhau và phải nhìn thật kỹ. Hàng giả sẽ có nét "dại" hơn hàng thật, các chi tiết của vỏ hộp, chữ in trên vỏ hộp không sắc nét bằng và hàng thật có bao ni lông ép chân không bên ngoài.
Theo báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, mỹ phẩm giả có thể vào thị trường theo nhiều con đường, cũng có thể đặt hàng từ Trung Quốc rồi đưa vào Việt Nam dưới "mác" hàng xách tay. Theo một số chuyên gia, nếu tinh ý có thể phát hiện mỹ phẩm giả vì mùi thường thơm gắt hơn hàng thật, kem trong hũ không đồng nhất hoặc chi tiết trên nhãn mác bị lẫn lộn, không nhất quán. Một số loại mascara ở dạng gel thường bị bết dính khi quết lên mi, khiến chị em khi trang điểm có cặp mắt như đang bị đau mắt hột. Do chưa có ai kỳ công đi kiểm tra xem thành phần của mỹ phẩm giả là gì, nhưng rất có thể hàng giả có chứa các chất làm trắng, mài mòn da, khiến da có thể trắng nhanh sau vài lần sử dụng sản phẩm, nhưng do da bị mài mòn sẽ dễ bắt nắng và rất khó phục hồi.
Cần cảnh giác, không nên ham hàng giá rẻ
Tại hội thảo của Ban Chỉ đạo 127 Hà Nội, các báo cáo cho thấy, từng có nhiều bệnh nhân phải vào các bệnh viện da liễu để điều trị do dị ứng với mỹ phẩm. Bệnh nhân có thể bị nổi mụn ở mặt, bị thâm nám hoặc xuất hiện các đám quầng dày màu đỏ trên mặt. Gần đây, nhiều trường hợp mua phải dầu gội đầu của Nhật Bản bị làm giả đã bị rụng tóc, ngứa ngáy khó chịu kéo dài trên da đầu.
Trong hai năm gần đây, có khoảng 300 vụ vi phạm liên quan đến kinh doanh mỹ phẩm giả, nhái, hàng xách tay hoặc hết hạn bị xử lý ở Hà Nội. Tuy nhiên, việc xử lý dường như mới ở mức "bắt cóc bỏ đĩa". Bên cạnh nguyên nhân do người bán hám lợi, sản phẩm giả dù có giảm giá tới 50% thì lợi nhuận thu được vẫn rất cao; ở phía người tiêu dùng, cùng với tâm lý thích làm đẹp của phụ nữ, nhiều chị em chỉ chú trọng tới các đợt khuyến mãi, giảm giá mà chưa có những hiểu biết nhất định về sản phẩm. Cùng với đó là thói quen sính hàng ngoại, đặc biệt là "hàng xách tay", tạo điều kiện cho giới kinh doanh mỹ phẩm giả dễ dàng trà trộn hàng giả, hàng nhái vào bán cho người tiêu dùng với giá cao.
Một nghiên cứu gần đây của Công ty Điều tra thị trường và người tiêu dùng nước ngoài có chi nhánh tại Việt Nam cho rằng, 47% dược - mỹ phẩm ở Hà Nội là hàng giả. Hiện chưa thể kiểm chứng thông tin này do chưa có cơ quan chức năng nào vào cuộc kiểm tra nghiêm túc với số mẫu đáng tin cậy, nhưng con số 47% hàng giả cũng có ý nghĩa cảnh báo để người tiêu dùng thận trọng, chỉ chọn mua hàng tại cơ sở uy tín, xem kỹ nhãn mác hàng hóa để tránh nhầm lẫn, mua phải hàng giả, hàng nhái, khi sử dụng đẹp đâu chưa thấy, nhưng rất nguy hiểm tới sự an toàn và sức khỏe của bản thân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.