(HNM) - Lòng yêu nước là tình cảm thiêng liêng bậc nhất trong những điều thiêng liêng; là phẩm chất cao quý hàng đầu trong truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, là yếu tố quyết định mọi văn công, võ công hiển hách của dân tộc suốt mấy nghìn năm lịch sử, điều ấy hầu như mọi người đều rõ.
Nhưng thể hiện lòng yêu nước như thế nào? Thể hiện lòng yêu nước đúng cách, phù hợp với yêu cầu khách quan của lịch sử sẽ ích nước lợi nhà, rất nhiều trường hợp góp phần cứu nguy cho dân tộc. Trái lại, thể hiện lòng yêu nước không đúng cách, không tính đến yêu cầu của từng thời điểm lịch sử, không quan tâm đúng mức đến những khía cạnh phức tạp và nhạy cảm của thế sự thì không những lời nói, việc làm ấy gây phản cảm trong xã hội mà có khi còn có thể làm hỏng đường đi nước bước trong đại sự. Cách đây gần một thế kỷ, một nhà cách mạng đồng thời là một nhà tư tưởng lớn đã nói đại ý, nhiệt tình cộng với ngu dốt sẽ dẫn đến sự phá hoại. Thời gian đã khác, bối cảnh cũng khác nhưng một số cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của nước ta gần đây ở trung tâm Hà Nội gợi cho người ta nhớ đến tinh thần của câu nói mang giá trị chân lý ấy.
Biểu tình hoặc những việc làm tương tự như biểu tình, nhiều khi cũng cần thiết. Nhưng cần phân biệt hai loại biểu tình để có ứng xử phù hợp. Biểu tình ủng hộ, có thể có cả nhắc nhở, phản biện và biểu tình phá hoại, chống đối. Hiến pháp Việt Nam thừa nhận quyền biểu tình của công dân nhưng biểu tình phải trong "khuôn khổ pháp luật" là như vậy. Ngay loại thứ nhất, đúng lúc, đúng mức độ, không quá đà, biết tính đến "ném chuột nhưng không để vỡ đồ quý" cũng rất quan trọng. Vượt quá những giới hạn cho phép, tính chất cuộc biểu tình sẽ thay đổi và buộc chính quyền phải can thiệp. Không chỉ nước ta, trên thế giới đều thế, đó là trách nhiệm thực thi vai trò quản lý xã hội của mọi nhà nước.
Đấy là nói về biểu tình. Nhưng biểu tình không phải là biện pháp duy nhất và hiệu quả nhất. Thể hiện lòng yêu nước tốt nhất là thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực. Cách đây gần bảy trăm năm, Nguyễn Trãi đã sảng khoái tổng kết: "Như nước Đại Việt ta từ trước, vốn xưng nền văn hiến đã lâu. Núi sông cương vực đã chia. Phong tục Bắc-Nam cũng khác" (Bình Ngô đại cáo - Bản dịch). Khi giành được độc lập thì giữ vững cương vực, chủ quyền quốc gia. Thời bình thì khoan sức dân, tranh thủ phát triển đất nước. Khi Tổ quốc đứng trước mối họa xâm lăng thì toàn dân một lòng, đứng lên chống ngoại xâm, làm nên những chiến công vang dội sử sách còn ghi. Truyền thống vẻ vang ấy được dựng nên bằng công sức, trí tuệ, máu xương của hàng triệu con người thông qua những việc làm của họ, không phải bằng những hành động tự phát do ngộ nhận, hay bị kích động, hoặc tự đắc kiểu như con gà trống ra sức gáy vì nghĩ rằng mặt trời mọc là nhờ tiếng gáy của mình.
Lòng yêu nước không phải đặc quyền của riêng ai, đúng như thế. Vậy lòng yêu nước cũng không phải đặc quyền của một số người đi biểu tình. Họ không yêu nước hơn những người không đi biểu tình, càng chưa chứng tỏ được rằng mình yêu nước hơn những người đang đổ mồ hôi, sôi nước mắt trong học tập, lao động, sáng tạo, những người đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền đất nước, giữ vững biên cương Tổ quốc trong vị trí và trách nhiệm của mình. Đấy là nói về những người nhẹ dạ, cả tin, nóng nảy hoặc cực đoan, chưa tính đến các thế lực chống đối trong và ngoài nước muốn lợi dụng lòng yêu nước, lợi dụng chủ trương mở rộng tự do dân chủ để thực hiện những mưu đồ của họ. Những mưu đồ đó là chống phá, cô lập, làm suy yếu Nhà nước Việt Nam bằng nhiều biện pháp, trong đó có việc lợi dụng chính một số người Việt Nam ngộ nhận, thiếu thông tin, lôi kéo họ dần dần vào quỹ đạo ngược với lợi ích của nhân dân và đất nước mình mà những người trong vòng quay đó khó nhận biết được.
Thời gian qua, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều tiếng nói đại diện cho gần 90 triệu người Việt Nam đã khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền, bảo vệ lãnh thổ quốc gia, xây dựng thành công một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh trước dư luận trong và ngoài nước. Những điều cần nói đã nói rồi. Những điều cần biểu lộ đã biểu lộ rồi. Hãy hành động, bởi chúng ta đang có quá nhiều việc cần làm trước mắt vì độc lập, chủ quyền và phát triển đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.