(HNM) - Trong thời gian qua, các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh đã đáp ứng khá tốt nhu cầu đi lại cho nhân dân, song cũng bộc lộ không ít bất cập.
Đó là tình trạng xe chạy “rùa bò” khi rời bến để bắt thêm khách, nhưng khi ra đến quốc lộ, cao tốc thì phóng nhanh vượt ẩu; là tình trạng tùy tiện dừng đỗ đón trả khách... tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc và tai nạn giao thông; hành khách thì tiện đâu đón xe đó; doanh nghiệp thì sẵn sàng “đi đêm” với cơ quan quản lý nhà nước để có được “nốt” đẹp, giờ xuất bến đẹp...
Để xóa bỏ những bất cập nói trên, một số chuyên gia giao thông đã đưa ra đề xuất vận hành xe khách tuyến cố định theo mô hình xe buýt. Cụ thể, nếu tổ chức cho xe tuyến cố định chạy theo giờ (có luân chuyển) khoảng 10 - 15 phút/chuyến như xe buýt hiện nay, chúng ta sẽ có luồng dịch vụ vận tải chất lượng ổn định như xe buýt, không còn tình trạng chạy lòng vòng, chèn ép, chạy “rùa” bắt khách. Hành khách sẽ biết được chính xác giờ nào có xe và đến bến, điểm dừng đón cho hành trình của mình. Khi đó, thời gian hoạt động của từng chuyến xe sẽ được quy định cụ thể, chi tiết theo biểu đồ. Doanh nghiệp vận tải căn cứ vào biểu đồ đã được phê duyệt để chạy đúng giờ, dừng đúng điểm, đón trả khách theo đúng quy định.
Khi người dân biết chắc có điểm đón trả khách với khoảng cách hợp lý được kết nối bằng xe buýt thuận tiện sẽ không đi bằng xe máy nữa, góp phần giảm đáng kể lượng xe máy lưu thông trên các tuyến quốc lộ. Ngoài ra, giải pháp này còn góp phần loại bỏ cơ chế “xin - cho” trong hoạt động kinh doanh vận tải.
Những bất cập trong vận tải hành khách liên tỉnh đều đã thấy rõ, tồn tại từ nhiều năm nay. Còn những lợi ích mà các chuyên gia đề xuất nói trên thì vẫn đang là lý thuyết. Tuy nhiên, không phải đề xuất này không có lý, bởi nó đã thành công ở nhiều nước. Vậy, các bộ, ngành liên quan và các địa phương hãy mạnh dạn thí điểm trên một số tuyến, sau đó sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.