(HNM) - Tại nhiều cuộc hội thảo, hội nghị bàn về công tác vận động nữ CNVCLĐ, nhiều cán bộ công đoàn (CĐ) trăn trở, trong bối cảnh hiện nay, không ít chính sách lao động nữ chưa được thực hiện đầy đủ, công tác nữ công ở nhiều DN còn yếu. Việc lồng ghép giới trong hoạt động CĐ còn lúng túng, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới vẫn còn hạn chế.
Lao động nữ làm việc tại Công ty TNHH nhà nước một thành viên Điện cơ Thống Nhất. Ảnh: Khánh Nguyên
Bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chỉ đạo các cấp CĐ thường xuyên tuyên truyền, giáo dục về tầm quan trọng và sự cần thiết của việc học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, pháp luật cho nữ CNVCLĐ. Đây là tiền đề quan trọng để thực hiện bình đẳng giới trong việc làm, bảo đảm cơ hội học tập, thu nhập cho nữ CNVCLĐ. Các cấp CĐ đã thành lập được hơn 4.500 câu lạc bộ chuyên đề về công tác nữ, thu hút hàng chục nghìn chị em tham gia. Ngoài ra, hằng năm Tổng Liên đoàn đều chỉ đạo tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị chuyên đề trao đổi kinh nghiệm công tác nữ của cán bộ CĐ. Tuy nhiên, công tác vận động nữ CNVCLĐ hiện còn "lộ" rõ nhiều bất cập và nữ CNVCLĐ vẫn đang phải hứng chịu không ít khó khăn, thiệt thòi...
Nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều chính sách dành cho nữ CNVCLĐ đã được triển khai, nhưng vẫn "vấp" phải không ít khó khăn. Điều 111 Bộ luật Lao động đã quy định: "Ưu tiên nhận phụ nữ vào làm việc khi có đủ tiêu chuẩn tuyển chọn". Song trên thực tế, không có sự ưu tiên nào đối với lao động nữ hơn lao động nam, thậm chí, do chưa có chế tài nên nhiều DN "sẵn sàng" gạt lao động nữ khỏi danh sách tuyển dụng và không ngần ngại sa thải lao động nữ mang thai hoặc không xét thưởng nghỉ thai sản. Quy định đào tạo nghề dự phòng cho lao động nữ cũng không được quan tâm thực hiện.
Theo PGS-TS. Lê Vân Trình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật - bảo hộ lao động, trước mắt cần hoàn thiện cơ sở pháp lý về quản lý nhà nước, văn bản luật liên quan đến vấn đề lao động nữ; rà soát, sửa đổi, bổ sung những văn bản dưới luật để nữ CNVCLĐ thực sự được hưởng quyền lợi hợp pháp. Và một vấn đề nữa, cho dù điều khoản luật pháp đã tốt nhất, cũng chưa thể mang đến cơ hội thụ hưởng cho phụ nữ, nếu bản thân họ không mạnh dạn lên tiếng và quan tâm thực hiện. Do vậy, tăng cường tuyên truyền, giáo dục về các chế độ chính sách, pháp luật đối với lực lượng này là rất cần thiết.
Để bảo đảm các mục tiêu vì sự tiến bộ phụ nữ, nhiều cấp CĐ đã mạnh dạn tự "xoay xở". Bà Tạ Thị Yên, Chủ tịch CĐ Xây dựng Việt Nam cho biết, CĐ đã tổ chức nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật cho chị em, tích cực kiến nghị thực hiện cơ chế, chính sách thỏa đáng cho lao động nữ, đồng thời chủ động tác động với doanh nghiệp tạo cơ chế có lợi hơn cho lao động nữ so với luật định. Ban Nữ công CĐ Công thương Việt Nam với đặc thù lực lượng lao động nữ ngày càng được trẻ hóa đã chọn giải pháp nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu hội nhập với nền kinh tế thế giới để thực hiện mục tiêu vì sự tiến bộ phụ nữ.
Năm 2011 này, LĐLĐ TP Hà Nội đã nêu quyết tâm phấn đấu có từ 95% trở lên nữ CNVCLĐ được nghiên cứu, quán triệt, học tập các nghị quyết của Đảng và CĐ cũng như chính sách pháp luật của Nhà nước, kiến thức về văn hóa xã hội và bình đẳng giới. LĐLĐ thành phố Hà Nội sẽ tập trung vào công tác tuyên truyền, giáo dục với nhiều hình thức về các chính sách pháp luật có liên quan đến lao động nữ. Các nội dung này sẽ được gắn với các hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ (8-3), Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (20-10)... Đồng thời, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về các chế độ, chính sách liên quan đến lao động nữ...
Nữ CNVCLĐ phải được quan tâm đúng mức về trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, đời sống, việc làm, tiền lương, điều kiện làm việc, cơ hội đào tạo, thăng tiến, chăm sóc sức khỏe sinh sản, nhà ở, các chính sách BHXH. Thế nhưng những lợi ích này nhiều khi chưa được hiện thực hóa bởi một phần do bản thân nhiều nữ CNVCLĐ chưa nhận thức đầy đủ và không "thiết tha" theo đuổi quyền lợi của mình. Do vậy, bản thân nữ CNVCLĐ phải xác định được trách nhiệm của mình để tự vươn lên và tổ chức CĐ phải là "điểm tựa" cho họ.
Đã có 80% số LĐLĐ tỉnh, thành phố và CĐ ngành thành lập Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN). Đây chính là cơ sở để các hoạt động VSTBPN được triển khai rộng khắp, góp phần tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho nữ CNVCLĐ. Trong đó, Quỹ "Vì nữ công nhân lao động nghèo" được triển khai cách đây hơn chục năm đã huy động được hơn 293 tỷ đồng, cho 1.093.530 lượt lao động nữ vay và hỗ trợ cho 79.546 gia đình nữ CNVCLĐ nghèo, với tổng số tiền 9.265.987.000 đồng. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.