(HNM) - Chưa qua kỳ nghỉ dài dịp kỷ niệm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đã thấy ngợp trước thông tin du lịch dội về.
Có nhiều tin không vui, một số tin có thể gọi là xấu. Như tin 3 du khách người Pháp đến Hà Nội đã bị tài xế taxi và nhân viên khách sạn lừa đảo. Những người này đã cấu kết với nhau nhằm đưa 3 vị khách nọ về một khách sạn khác với địa chỉ mà họ đã đặt phòng. Theo báo chí, khi những du khách Pháp muốn rời đi, lễ tân khách sạn đã có hành vi đối xử rất đáng xấu hổ. Chiêu lừa đảo nói trên không phải là mới, nhưng đặc biệt là bởi chuyện diễn ra chỉ vài chục giờ sau khi lãnh đạo Tổng cục Du lịch phải đến tận nơi để xin lỗi một du khách mang quốc tịch Australia, người đã phải trả 1,3 triệu đồng cho một cuốc xích lô ngắn.
Có những tin không vui khác xuất hiện tại Đà Lạt, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nha Trang… trực tiếp hay gián tiếp thì cũng ảnh hưởng tiêu cực đối với hình ảnh du lịch Việt Nam. Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng thu hút khá đông du khách vài năm nay, cuối tháng 4 tạo thời cơ cho dịch vụ lưu trú. Đã có tin về ý đồ "găm" phòng nghỉ để đẩy giá lên cao - hệt như chuyện ở Huế cách nay hơn chục năm, dạo Festival Huế mới bắt đầu những kỳ tổ chức đầu tiên, tức là "bệnh" không mới. Tại Đà Lạt, Vũng Tàu, Kiên Giang, Nha Trang, "chuyện chung" không có gì khác là giá phòng tăng - điều không hay bắt nguồn từ thực tế là lượng du khách đổ về quá đông, một nguyên nhân nhẽ ra có thể khiến tất cả chúng ta vui vẻ nếu không bị ám ảnh bởi một sự thực là tư duy trục lợi đã thành phổ biến. Những tin xấu khác còn là chuyện tuyến xe khách Hải Phòng - Hà Nội và ngược lại tái diễn cảnh "cạnh tranh bằng nắm đấm", điều khiến nhiều người đã không muốn đến Hải Phòng trong dịp nghỉ lễ đầu hè năm nay; là chuyện các tuyến xe khách từ Bắc chí Nam đồng loạt xuất hiện tình trạng tăng giá; là chuyện một số địa phương cho phép tăng giá dịch vụ lưu trú trong một số ngày nhất định, hoặc có văn bản đồng ý với kiến nghị nâng giá dịch vụ biển…
Đó là một số tin không vui cho tới trước ngày 29-4. Có nhiều điểm khác đáng kể so với những tuyên bố "chống nọ chống kia" được đưa ra trước khi mùa du lịch hè 2013 bắt đầu. Nó cho thấy ở một số chiều - cạnh trong hoạt động du lịch (và trong một số lĩnh vực có liên quan mật thiết với du lịch, điển hình là vận chuyển hành khách, quản lý địa bàn), sự chuyển biến theo hướng tích cực diễn ra khá chậm, trong khi chuyện tiêu cực có "bệnh" tái phát và một số đáng gọi là "bệnh kinh niên", nguyên nhân không có gì khác ngoài giải pháp hạn chế tình trạng "chặt chém" không đủ tạo hiệu quả cần thiết. Du lịch Việt Nam vẫn chịu điều tiếng từ cách làm ăn manh mún, mạnh ai nấy làm của cá nhân, nhiều nơi và nhiều người chỉ nhìn thấy mối lợi "trước mũi", không thấy được quyền lợi của mình gắn liền với nghĩa vụ tạo dựng thương hiệu, xây dựng hình ảnh chung. Những "con sâu" làm xấu đi hình ảnh du lịch Việt Nam không những không bị tiêu diệt, mà còn xuất hiện nhiều hơn theo hướng chuyên nghiệp và bài bản.
Nguyên lý cung - cầu đã được đem ra lý giải cho sự tăng giá và sự yếu kém về chất lượng dịch vụ ở đâu đó, nhằm biện minh cho hành động trục lợi cá nhân bất kể thảm họa chung. Nó sẽ còn diễn ra nếu hoạt động du lịch không được đặt trong chỉnh thể nhất quán về mục tiêu, cách thức vận hành và có một hệ thống quản lý mà ở đó, cả ngành du lịch, chính quyền địa phương, các ngành liên quan cùng nhìn về một hướng.
Chúng ta không thể, một lần nữa, đến tận nơi và đưa ra lời "xin lỗi" 3 du khách Pháp bị lừa ở phố cổ, sau khi đã nói lời xin lỗi về một hành vi có cùng bản chất chỉ trước đó vài chục giờ đồng hồ. Hãy làm những điều thiết thực, hãy tìm ra cách giải quyết tận gốc vấn đề.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.