Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hậu quả từ thiếu kiến thức

Đức Trung| 28/07/2010 06:47

(HNM) - Hệ thống cấp cứu ở nước ta hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu. Có tới 90% trường hợp nạn nhân (chủ yếu là tai nạn thương tích) không được sơ cứu ban đầu.

Tổ chức các lớp thực hành sơ cứu sẽ góp phần giảm tỷ lệ tử vong do tai nạn gây ra. 


Thiếu kiến thức sơ cứu
Số liệu điều tra cộng đồng về tai nạn thương tích (TNTT) cho thấy: Có khoảng 50% trường hợp tử vong do tai nạn giao thông đường bộ xảy ra trong khoảng vài phút tại hiện trường hoặc trên đường đến bệnh viện cấp cứu; 15% tại bệnh viện trong vòng 4 giờ đầu sau tai nạn và 35% sau 4 giờ. Đáng lưu ý, chỉ có khoảng 5-10% nạn nhân được sơ cứu tại chỗ.

Theo các chuyên gia y tế, việc chăm sóc sau tai nạn là nhằm phòng tránh cái chết và tàn tật không đáng có, hạn chế độ nặng và hậu quả của thương tích, bảo đảm tối ưu cho người sống sót sau vụ tai nạn. Chuỗi cơ hội để đạt được mục tiêu này liên quan tới người có mặt tại hiện trường vụ tai nạn, cấp cứu khẩn cấp, tiếp cận với hệ thống cấp cứu, chăm sóc chấn thương và phục hồi chức năng. Những người đầu tiên tới hiện trường tai nạn có thể đóng vai trò quan trọng trong phòng tránh những hậu quả nặng nề hơn bằng cách gọi cấp cứu, cứu hỏa, giữ an toàn tại hiện trường, dự phòng các va chạm tiếp theo. Nếu người có mặt tại hiện trường được đào tạo về sơ cứu có thể phòng tránh được nhiều trường hợp tử vong do tắc nghẽn đường thở hoặc mất máu. Trong khi đó, nước ta lại chưa có hệ thống cung cấp thông tin cho cộng đồng về các vấn đề liên quan tới phòng chống thương tích, cũng như cách xử trí ban đầu. Mặc dù thời gian qua, ngành y tế đã tổ chức một số lớp tập huấn, triển khai thí điểm dự án nâng cao năng lực điều phối thông tin cho cộng đồng về vận chuyển cấp cứu và chăm sóc chấn thương tại Hà Nội và Thừa Thiên Huế, nhưng đến nay việc này vẫn còn mới mẻ đối với nhiều người.

Thiếu phương tiện vận chuyển
Cả nước hiện chỉ có Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng có đơn vị vận chuyển cấp cứu 115. Bốn đơn vị này mới đáp ứng được khoảng 10% các cuộc gọi và chủ yếu cấp cứu nội khoa. Xe cứu thương của các bệnh viện phần lớn được sử dụng để chuyển bệnh nhân giữa các bệnh viện hoặc chuyển về nhà. Vì thế, đa số nạn nhân khi bị TNTT không được chuyển tới cơ sở y tế bằng phương tiện chuyên dụng mà bằng xe máy, xe taxi. Thống kê trong 6 tháng của Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ và Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cho thấy có đến 90% trẻ em bị TNTT không được vận chuyển bằng phương tiện chuyên dụng của bất kỳ cơ sở y tế nào, chủ yếu do gia đình tự đưa đến viện. Hậu quả là nhiều bệnh nhân khi đến bệnh viện đã bị tử vong hoặc tàn tật do vận chuyển không đúng cách.

Để giải quyết tình trạng trên, Hà Nội đã xây dựng xong quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế thành phố đến năm 2020, trong đó sẽ đầu tư để phủ kín dịch vụ vận chuyển cấp cứu bệnh nhân với bán kính hoạt động của các trạm cấp cứu dao động trong khoảng từ 10 đến 15km. Các trung tâm cấp cứu sẽ gắn với trung tâm y tế, khu vực đô thị, khu dân cư có mật độ cao với tiêu chuẩn mỗi xe cứu thương phục vụ cho 65.000 dân. Theo đó, thành phố sẽ xây dựng thêm trung tâm điều hành cấp cứu hoàn chỉnh; 9 trạm cấp cứu vệ tinh tại các khu vực Mỹ Đình, Thường Tín, Xuân Mai, Sóc Sơn, Phùng, Khu đô thị mới Bắc Thăng Long, đô thị Hòa Lạc, Sơn Tây; hướng tới xây dựng 3 bệnh viện cấp cứu tại các khu vực Bắc sông Hồng (đặt tại Khu đô thị Bắc Thăng Long), khu vực phía Tây (tại đô thị Hòa Lạc) và khu vực phía Nam (tại đô thị Phú Xuyên).

Với quy hoạch tổng thể này, hy vọng người dân sẽ được nâng cao nhận thức về phòng chống, xử trí thương tích tại chỗ và cách vận chuyển cấp cứu nạn nhân khi cần. Các cơ sở y tế tiếp nhận bệnh nhân sẽ được thông báo trước để sẵn sàng chuẩn bị cho việc cấp cứu, từ đó nạn nhân được chăm sóc tốt hơn, giảm đáng kể tỷ lệ tử vong.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hậu quả từ thiếu kiến thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.