(HNM) - Khoảng 9h ngày 3-9, tại một điểm giao cắt trên đường Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì, Hà Nội), xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến… đường sắt khiến một người thiệt mạng.
Theo một số nhân chứng, vào thời điểm này, nạn nhân đang lưu thông theo hướng bến xe Nước Ngầm - Ga Văn Điển, khi đến Ngõ 148, đường Ngọc Hồi thì bất ngờ rẽ phải băng qua đường sắt. Lúc này, tàu Thống nhất Bắc - Nam đi chiều Hà Nội - Sài Gòn đang chạy đến và đâm trực diện. Cũng theo các nhân chứng, có vẻ nạn nhân đã… thiếu quan sát.
Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến đường sắt xảy ra trong thời gian gần đây. Theo thống kê của Ban An toàn giao thông TP Hà Nội, từ ngày 16-11-2014 đến ngày 15-7-2015, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 16 vụ tai nạn giao thông liên quan đến đường sắt làm 19 người chết, 8 người bị thương; so với cùng kỳ năm 2014, tăng 9 vụ (52,97%), tăng 1 người chết (5,56%), tăng 5 người bị thương (166,7%).
Tại TP Hồ Chí Minh, theo thống kê của Ban An toàn giao thông thành phố, từ đầu năm 2015 đến nay, tai nạn giao thông liên quan đến đường sắt xảy ra 8 vụ (tăng 5 vụ), làm chết 5 người (tăng 4 người), làm bị thương 3 người (tăng 1 người so với cùng kỳ năm 2014).
Vì sao "tai nạn giao thông liên quan đến đường sắt" lại liên tục gia tăng trong thời gian gần đây? Ở đây, xin dùng khái niệm "tai nạn giao thông liên quan đến đường sắt", bởi lẽ số vụ việc xảy ra do lỗi người điều khiển tàu chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong "cơ cấu" tai nạn.
Lấy mạng lưới đường sắt trên địa bàn thành phố Hà Nội để "mổ xẻ": Mạng lưới này gồm 5 tuyến hướng tâm và 1 tuyến Vành đai phía Tây với tổng chiều dài 145,5km; đặc biệt, có 2 tuyến liên vận quốc tế là Hà Nội - Lạng Sơn - Bằng Tường (Trung Quốc) và Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh (Trung Quốc). Các tuyến đều chưa có hành lang riêng, hầu hết giao cắt đồng mức với hệ thống giao thông đường bộ; hệ thống thông tin tín hiệu lạc hậu hoặc thiếu đồng bộ. Đáng chú ý, nhiều nút giao còn không có gác chắn cũng như hệ thống tín hiệu cảnh báo... Chính những bất cập này đã dẫn tới thực trạng các điểm giao cắt đường sắt - đường bộ của thành phố đồng thời là những điểm "đen" tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Trong điều kiện tương tự, giao thông đường sắt cả nước tất yếu đã, đang và sẽ còn… phải "chứng kiến" nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Hệ thống đường sắt được xây dựng từ lâu, hiện đã bộc lộ nhiều bất cập - cả do nguyên nhân khách quan và chủ quan - ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề bảo đảm an toàn. Đặc biệt, việc người tham gia giao thông thiếu ý thức tự bảo đảm sức khỏe, sinh mạng cho bản thân là nguyên nhân chính dẫn tới nhiều vụ tai nạn thương tâm. Tại rất nhiều cuộc làm việc, hội thảo, các nguyên nhân, giải pháp đã được chỉ ra song không dễ thực hiện trong một sớm một chiều. Trên thực tế, chỉ cần loại bỏ đường ngang thì tai nạn giao thông liên quan đến đường sắt sẽ giảm thiểu. Tuy nhiên, đây là giải pháp gần như… bất khả thi. Vì vậy, có thể nói, giao thông đường sắt với thực trạng như hiện nay sẽ còn hiện diện trong hệ thống giao thông đường bộ trong thời gian rất dài nữa. Vấn đề còn lại chính là ý thức người tham gia giao thông.
Trong mọi trường hợp, dù giao thông đường sắt có lạc hậu đến mức như thế nào, bị cản trở không gian dẫn đến che khuất tầm nhìn người tham gia giao thông như thế nào thì một đoàn tàu với tiếng ồn lớn không thể không khiến người tham gia giao thông chú ý. Nếu phớt lờ, hậu quả là tất yếu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.