(HNM) - Mấy ngày qua, dư luận tỏ ý không hài lòng trước việc một tờ lịch có in thương hiệu SHB - trùng tên thương hiệu của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội - mang nội dung khác lạ về Hồ Gươm ở Hà Nội (thường được gọi là hồ Hoàn Kiếm, nghĩa là hồ trả gươm).
Tờ lịch in ngày 1-1-2014, trên có dòng thông tin "Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) gắn liền với truyền thuyết Rùa thần đòi gươm. Một lần Vua dạo chơi bằng thuyền trên mặt hồ, bắt gặp một sinh vật là Rùa lớn nổi lên bơi về phía Ngài, bấy giờ Vua liền rút gươm ra để xua Rùa đi nơi khác. Nhưng Rùa bất ngờ ngậm lấy thanh gươm và lặn mất xuống lòng hồ. Từ đó hồ được đặt tên là Hồ Hoàn Kiếm".
So với truyền thuyết Hồ Gươm về Vua Lê trả gươm cho Rùa thần, vốn được thừa nhận một cách rộng rãi, được lan truyền trong đời thường cũng như đưa vào giảng dạy trong nhà trường bấy lâu nay, thông tin nói trên thể hiện một quan điểm khác lạ, rất khó chấp nhận, đặc biệt là khi truyền thuyết ấy gắn với Thăng Long - Hà Nội, có ý nghĩa bổ sung và làm giàu thêm ý nghĩa mang tính biểu tượng của Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình. Từ "Vua hoàn gươm" đến "Rùa thần đòi gươm", trong bối cảnh liên quan như đã nói, dù trong thực tế, từ lâu lắm rồi đã xuất hiện cách đề cập khác về lai lịch của cái tên Hồ Gươm thì thông tin nói trên vẫn đáng coi là một sự "thêu dệt" không được hoan nghênh. Truyền thuyết thường chứa đựng thông điệp có tính mở, nhưng một truyền thuyết giàu ý nghĩa nhân văn, đã đi vào lòng người qua nhiều thế kỷ, phù hợp với ý chí, nguyện vọng và truyền thống yêu chuộng hòa bình của cư dân Thành phố Vì hòa bình - danh xưng mà thế giới đã trân trọng trao cho mảnh đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, là một phần máu thịt không thể và không nên tách rời, khiến cho sự "thêu dệt" trên trở nên lạc lõng.
Nói những dòng thông tin trên tờ lịch có gắn thương hiệu SHB trở nên xa lạ ngay lập tức, ngay khi vừa xuất hiện trên mạng internet không chỉ bởi trong những ngày qua có rất nhiều ý kiến chỉ trích "cha đẻ" của hành vi thêu dệt một truyền thuyết đẹp được xã hội đón nhận và thừa nhận, mà còn bởi nỗi băn khoăn ngày một lớn về xuất phát điểm của sự việc nói trên. Cuối năm 2004, khi tiến hành tổng kết cuộc thi viết quốc tế "Tìm hiểu về lịch sử, văn hóa ngàn năm Thăng Long - Hà Nội" (một cuộc thi có tới hơn 3.500 bài viết dự thi, do công dân của hơn 100 quốc gia gửi đến và BTC phải biên dịch từ 6 loại ngôn ngữ khác nhau), người Việt Nam nói chung cảm động vì bạn bè quốc tế thể hiện sự thông hiểu về lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Tìm trong số bài viết được chọn trao giải, các tác giả đưa ra đáp án khá tập trung về câu hỏi số 3 (trong số 7 câu hỏi), rằng hồ nước giữa trung tâm Hà Nội có tên gọi là hồ Hoàn Kiếm, gắn với truyền thuyết trả gươm, là biểu tượng về tình yêu hòa bình của người Hà Nội, của dân tộc Việt Nam. Một người Nga, được trao giải nhì, thậm chí đã nâng tầm ý nghĩa của truyền thuyết hoàn gươm gắn với Hồ Gươm. Ông viết: "Việt Nam và Nga đều có chung biểu tượng thanh kiếm, một của Lê Thái Tổ - vị Hoàng đế đã trả gươm cho rùa vàng tại hồ Lục Thủy (một tên gọi khác của hồ Hoàn Kiếm - NV); một của thống soái vĩ đại A.Nepski, sau khi chiến thắng kẻ thù đã để lại thanh kiếm như một sự bất diệt, có nghĩa lịch sử đã cho chúng ta những thanh gươm cầm chắc trong tay để bảo vệ hòa bình". Lời lẽ ấy, trong khuôn khổ một cuộc thi viết về Thăng Long - Hà Nội, liên quan trực tiếp đến truyền thuyết "hoàn gươm", chẳng phải tác giả muốn nói truyền thuyết ấy mang giá trị nhân văn mà toàn nhân loại hướng đến hay sao! Tại sao người nước ngoài có thể thông tin về truyền thuyết đẹp của Việt Nam với thái độ trân trọng mà người Việt ta lại (vô tình hay hữu ý?) tìm cách diễn giải ngược lại?
Hơn một ngày trước, báo chí đưa tin: Đại diện Ngân hàng SHB cho biết, lịch của ngân hàng này là do một nhà xuất bản in ấn, theo hợp đồng thì nhà xuất bản này chịu trách nhiệm về nội dung. Còn phía SHB chỉ gắn thương hiệu của mình vào lịch. Nếu thông tin trên là xác thực, đây có lẽ lại thêm một bài học lớn nữa về việc thực hiện quy trình xuất bản ấn phẩm văn hóa, thể hiện sự thờ ơ với trách nhiệm thông tin nhằm mục tiêu định hướng giáo dục thế hệ trẻ của các bên liên quan đến sự xuất hiện của ấn phẩm này trong đời sống xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.