Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hậu quả của bế tắc chính trị

Thùy Dương| 08/10/2015 06:38

(HNM) - Khi lá cờ của Nhà nước Palestine tung bay bên ngoài trụ sở của Liên hợp quốc cũng là thời điểm niềm tin của người dân Palestine về một nền hòa bình cho dân tộc một lần nữa được thắp lên.


Sự kiện này cũng khẳng định vai trò của Palestine trên trường quốc tế, tăng thêm sức mạnh cho ban lãnh đạo Palestine trong tiến trình tìm kiếm sự ủng hộ để thành lập một nhà nước của riêng mình. Tuy nhiên, cùng lúc đó, những vụ trấn áp người Palestine của Israel dẫn tới các vụ đụng độ giữa hai bên tại thành cổ Jerusalem và Bờ Tây đã trở thành mối quan ngại của cộng đồng quốc tế.

Israel gia tăng các vụ trấn áp người Palestine tại Bờ Tây và Jerusalem khiến tình hình thêm căng thẳng.



Căng thẳng xảy ra từ việc chính quyền Tel Aviv cho phép người Do Thái dưới sự bảo vệ của quân đội Israel đi vào bên trong đền thờ Al-Aqsa ở Jerusalem - một trong những địa điểm linh thiêng nhất của người Hồi giáo - vào những thời điểm nhất định, trong khi ngăn cấm những người Palestine theo đạo Hồi tiếp cận khu đền thờ vào những thời điểm đó để thực hiện các quyền tôn giáo của họ. Việc để người Do Thái được tiếp cận đền Al-Aqsa đã vi phạm thỏa thuận mà Israel đã cam kết khi chiếm đóng Jerusalem năm 1967, đó là không xâm phạm khu vực thiêng liêng của đạo Hồi. Đây được xem như một phần kế hoạch của Tel Aviv nhằm thay đổi hiện trạng đã được duy trì từ năm 1967 và trực tiếp đàn áp quyền tự do tôn giáo của người Palestine cũng như đức tin của hàng trăm triệu tín đồ Hồi giáo trên khắp thế giới. Vì vậy, chính sách của Israel đã vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ của người Palestine không chỉ ở khu thành cổ Jerusalem mà còn ở khắp Bờ Tây.

Tối 6-10, các cuộc đụng độ giữa người Palestine và lực lượng an ninh Israel đã lan đến khu vực thành cổ Jaffa, cách thành phố trung tâm thủ đô Tel Aviv của Israel chỉ vài kilômét. Ít nhất 3 cảnh sát Israel đã bị thương trong các vụ ném đá phản kháng của người Palestine. Đây là lần đầu tiên xảy ra các vụ ném đá tại một trong những khu trung tâm của Israel kể từ khi bạo lực bùng phát gần đây tại Bờ Tây và thành cổ Jerusalem. Vụ việc này chỉ là một trong số những cuộc đụng độ liên tiếp xảy ra sau khi chính quyền của Thủ tướng Israel B.Netanyahu thông qua một loạt biện pháp nhằm chống lại cái họ gọi là những vụ tấn công của người Palestine bằng ném đá và bom xăng tại Núi Đền và thành phố Jerusalem. Trong đó có cả những quyết định cứng rắn như kết án tù những người bị buộc tội và nới lỏng các quy định cho phép cảnh sát sử dụng đạn thật.

Trong bối cảnh này, phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết, Israel "sẵn sàng nối lại đàm phán hòa bình trực tiếp với Palestine mà không kèm bất cứ điều kiện tiên quyết nào". Thủ tướng Israel kêu gọi Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas nối lại đàm phán để cùng giải quyết cuộc xung đột "vì người dân Israel và Palestine". Tuy nhiên, trao đổi báo giới, quan chức cấp cao Palestine Nemer Hammad, một trợ lý của Tổng thống M.Abbas cho rằng, phát biểu của Thủ tướng Israel chỉ là tung hỏa mù và không có điểm gì mới. Ông N.Hammad khẳng định, chính sự thiếu thiện chí, chính sách đàn áp của Israel đã dẫn đến sự sụp đổ của tiến trình hòa bình. Palestine sẽ không nối lại hòa đàm chừng nào Israel chưa chấm dứt việc xây dựng các khu định cư trên các vùng đất mà họ chiếm đóng trái phép của người Palestine và trả tự do cho các tù nhân Palestine.

Bạo lực bùng phát là một hệ quả tất yếu khi người dân Palestine hằng ngày phải gánh chịu những biện pháp hà khắc và vô nhân đạo của lực lượng chiếm đóng Israel trong khi con đường tìm kiếm hòa bình bằng giải pháp chính trị vẫn bế tắc. Đầu tháng 10 vừa qua, Nhóm bộ tứ vì hòa bình Trung Đông gồm Nga, Mỹ, Liên hợp quốc và Liên minh Châu Âu đã thông báo nối lại nỗ lực thuyết phục Israel và Palestine tái khởi động đàm phán hòa bình với sự giúp đỡ của các nước Arab. Nhóm bộ tứ khẳng định không thể duy trì tình trạng hiện nay, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Israel và Palestine thông qua những chính sách và hành động cụ thể, thể hiện rõ cam kết của cả hai bên trong việc theo đuổi giải pháp hai nhà nước nhằm xây dựng lại lòng tin và tránh tái diễn leo thang xung đột. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này thì nỗ lực phải đến từ hai phía.

Việc tiếp tục vi phạm những thỏa thuận đã cam kết và thực thi chính sách bất công với người Palestine của Israel nhằm theo đuổi những toan tính riêng chắc chắn sẽ không thể đưa con tàu hòa bình Trung Đông cán đích.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hậu quả của bế tắc chính trị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.