Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hậu Olympic 2012: Nỗi đau và sự tiếc nuối của cử tạ

Minh Quang| 19/08/2012 07:42

(HNM) - Thất bại của Trần Lê Quốc Toàn tại Olympic 2012 đã được mổ xẻ nhiều. Ai cũng hiểu đấy là thất bại chung của cử tạ Việt Nam trong việc chinh phục chiếc huy chương Olympic thứ hai liên tiếp. Và ai cũng hiểu, Trần Lê Quốc Toàn có thể giành được huy chương nếu được đội ngũ HLV thiện chiến, có nghề hơn hỗ trợ.

Bắn súng có thể tự hào về một Hoàng Xuân Vinh, người từng cách tấm HCĐ Olympic 2012 có 0,1 điểm. Đó là một ngày thi đấu xuất thần của Hoàng Xuân Vinh và khả năng của anh cũng chỉ có vậy. Trước Olympic 2012, ít ai dám đặt cược vào khả năng đoạt huy chương của Hoàng Xuân Vinh. Nếu coi sự nổi lên của Vinh là một bất ngờ cũng không quá lời. Còn Trần Lê Quốc Toàn lại khác. Đô cử người Đà Nẵng này hoàn toàn có khả năng đoạt huy chương Olympic. Nhưng, khả năng ấy cũng chỉ mới hiện hữu sau gần hai năm được đầu tư mạnh tay. Còn nếu quá trình đầu tư cho Quốc Toàn được thực hiện từ bốn năm trước (ngay sau khi Hoàng Anh Tuấn đoạt HCB Olympic 2008) thì khả năng đoạt huy chương Olympic 2012 của Toàn sẽ rõ ràng hơn nhiều.

Trong hai năm gần đây, không phải lúc nào Trần Lê Quốc Toàn cũng được ngành thể thao đầu tư ở mức tốt nhất có thể. Nhưng chỉ cần có vậy, Quốc Toàn đã đủ tự tin để tới Olympic 2012. Đáng tiếc, ở thời khắc quyết định, sai lầm nối tiếp sai lầm, phá hỏng giấc mơ huy chương của Trần Lê Quốc Toàn.

Ngày Quốc Toàn vuột mất HCĐ Olympic, thấy rõ nhiều điều khó hiểu trong quá trình khởi động và thi đấu của anh. Lãnh đội cử tạ Việt Nam giải thích rằng do có sai sót trong quá trình khởi động nên Quốc Toàn đã không đạt được thành tích như ý. Nói vậy, dường như mọi sai sót đều đổ lên đầu chuyên gia D.Deykov, người đã lộ ý định chia tay đội cử tạ Việt Nam sau Olympic 2012. Nhưng nếu làm rõ sai sót trong quá trình khởi động của đô cử này thì sẽ thấy những điều khó tin và rất đáng trách. Khó tin ở chỗ Trần Lê Quốc Toàn đã phải khởi động quá sớm. Điều này sẽ dẫn đến cảnh cơ bắp bị "nguội" khi lên sàn đấu, cơ thể không đạt sự hưng phấn cao nhất. Còn trước lúc thi đấu, muốn khởi động "nóng" người thì không còn sức đâu để thi đấu. Thực tế, Quốc Toàn đã rơi vào tình cảnh tréo ngoe này và hỏng liên tiếp trong 2 động tác cử giật đầu tiên, không nâng được mức 125kg. Lỗi ở đây do khâu khởi động quá bất bình thường chứ không phải do cổ động viên hô to hay vì Quốc Toàn đặt mức tạ không hợp lý (nếu không thì đến lần thứ 3 Toàn đã không nâng được mức 125kg). Biết rõ chỉ định khởi động có vấn đề như vậy, vai trò của HLV nội ở đâu? Sẽ là quá dễ để sau cuộc đấu đổ tại cho "sơ suất khởi động" thay vì phản biện quyết liệt để đưa sự việc trở lại sự bình thường cần phải có.

Rồi ngay trong quá trình thi đấu cử đẩy của Quốc Toàn cũng lộ rõ non tay. Dân trong nghề cử tạ đều không hiểu tại sao khi đô cử Valentin Hristov (Ajerbaizan, hơn Quốc Toàn 2kg ở nội dung cử giật) không thành công ở mức 158kg, Ban Huấn luyện Việt Nam lại không nâng mức tạ đăng ký của Toàn lên 163kg hoặc 165kg cho lần 2, qua đó bắt buộc Valentin phải nâng tiếp lần 3, cũng là lần cuối. Với thời gian nghỉ ngắn ngủi, Valentin khó mà nâng thành công mức 158kg và nếu hỏng thì Quốc Toàn chỉ cần nâng thành công 159kg là đoạt HCĐ. Đằng này, Ban Huấn luyện lại đưa mức tạ cho Toàn là 159kg ở lần 2. Nhờ vậy, Valentin không phải nâng tạ ngay và có thời gian hồi phục. Còn Quốc Toàn dù nâng thành công 159kg nhưng vẫn phải ngậm ngùi đứng thứ tư vì sau đó Valentin cũng nâng thành công mức 159kg. Nói rằng HLV nội đi cùng Quốc Toàn non tay một phần thì cũng phải nói tiếp về khâu phân công HLV của ngành thể thao. Ai cũng biết, HLV nội đi cùng Toàn thực ra chỉ là một phiên dịch, kinh nghiệm trận mạc hạn chế. Nếu HLV nội đi cùng Toàn là người có nghề hơn, kiểu như HLV Phan Văn Thiện (Đà Nẵng, người quá hiểu rõ về Toàn) hay bất cứ HLV nào có kinh nghiệm thì chiếc HCĐ Olympic đã không trôi khỏi tầm tay Quốc Toàn. Rõ ràng, Olympic thực sự không phải là sân chơi của những HLV lơ mơ với nghề

Sau khi trở về từ Olympic 2012, người ta đã nhắc đến việc tiếp tục đầu tư rốt ráo trong suốt chu kỳ bốn năm cho Quốc Toàn. Nhưng khi VĐV nỗ lực hết mình thì cũng cần đội ngũ HLV bên cạnh thực sự có nghề, tận tâm với nghề và có bản lĩnh để đưa ra những quyết định chính xác với tinh thần dám làm, dám chịu lúc VĐV thi đấu. Nếu không, nhiều người sẽ còn phải ức chế vì những cú vuột huy chương đã nhìn thấy trước như của cử tạ tại kỳ Olympic vừa qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hậu Olympic 2012: Nỗi đau và sự tiếc nuối của cử tạ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.