(HNM) - Mấy ngày nay, người dân làng Vòng túm năm tụm ba bàn tán chuyện con trai nhà Tư Biều lấy con gái nhà Ba Chỏm. Vừa mới qua tuổi 17, cả cô dâu và chú rể lỡ dở chuyện học hành. Việc nhà đó vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình thì đã rõ. Họ biết là sai, nhưng không cưới thì cũng không được vì đôi trẻ đã chót "ăn cơm trước kẻng", cô dâu bụng đã lùm lùm.
Nghe nói, hai nhà thông gia trong đám cưới trẻ con ấy cũng không muốn xảy ra điều này khi con mình còn nhỏ. Nhưng họ không có khả năng kiểm soát chuyện yêu đương của đôi trẻ. Cũng vì ham chơi nên hai đứa trẻ học thì ít, yêu đương nhăng nhít thì nhiều dẫn đến cảnh phải cưới nhau chạy tuổi. Điều mà dân làng bàn luận nhiều nhất là đôi trẻ ấy lấy nhau rồi sẽ sống với nhau ra sao. Cả hai chưa có nghề nghiệp, lại ở cái tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới" mà đã phải chuẩn bị làm bố, làm mẹ, liệu chúng sẽ nuôi dạy con ra sao? Cái loa cóc treo trên ngọn đa đầu làng thường xuyên tuyên truyền giáo dục giới tính, kiến thức tình dục an toàn cho con trẻ, nhưng sao ở làng Vòng và nhiều vùng nông thôn, miền núi khác những đám cưới bất đắc dĩ như vậy vẫn cứ xảy ra? Bà con thắc mắc mãi. Lẽ nào mọi sự tuyên truyền, giáo dục giới tính đã không thể lọt tới nhà trường, nơi mà con trẻ vẫn đang hằng ngày được giáo dục?
Dân làng Vòng bảo, những đứa trẻ sinh ra được nuôi dạy bài bản từ những ông bố, bà mẹ trưởng thành có đầy đủ kiến thức và điều kiện về vật chất sẽ tạo ra thế hệ trẻ tốt cho xã hội. Còn nếu xã hội có quá nhiều những đứa trẻ sinh ra ngoài ý muốn sau những đám cưới chạy tuổi kiểu như nhà Tư Biều và Ba Chỏm, chả biết cơ sự sẽ thế nào?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.