Đường vành đai 1 (đoạn Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái), đường 5 kéo dài, vành đai 2 (Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng), nút giao Bắc Thăng Long - Vân Trì... được yêu cầu hoàn thành trong năm 2015 nhưng khó đạt tiến độ.
Sáng 3/3, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã có cuộc họp kiểm điểm tiến độ các dự án trọng điểm trên địa bàn. Có 6 trong tổng số 13 dự án thành phố đặt mục tiêu hoàn thành trong năm 2015 liên quan đến giao thông.
Chủ tịch Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan chủ động, linh hoạt để các dự án về đích đúng tiến độ. Ảnh: Võ Hải |
Cụ thể, Dự án Đường vành đai 1 (đoạn Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái) do Ban quản lý dự án tả ngạn làm chủ đầu tư với số vốn gần 1.140 tỷ đồng được dự báo sẽ khó hoàn thành trong năm 2015 do công tác giải phóng mặt bằng đang bị chậm. Dự án đường vành đai 2 (Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng) cũng do Ban quản lý dự án trọng điểm làm chủ đầu tư, tổng vốn 2.560 tỷ đang gặp khó khăn về nhà tái định cư. Dự án nút giao thông trung tâm quận Long Biên được khởi công từ tháng 5/2014 nhưng dự kiến trong tuần này mới ký hợp đồng chính thức…
Cùng với các dự án giao thông, 7 dự án trọng điểm khác cũng được yêu cầu hoàn thành trong năm 2015 gồm: Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 2; Mở rộng khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn 2; Xây dựng cải tạo bệnh viện đa khoa Đức Giang; Xây dựng Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ; 3 dự án thành phần khu Hoàng Thành Thăng Long; 2 dự án lĩnh vực Phòng cháy chữa cháy; 4 nhóm dự án vốn ODA.
Theo Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội, hầu hết các dự án trọng điểm của thành phố đều triển khai chậm, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng. Nếu không cải thiện công tác này, các dự án rất khó hoàn thành đúng thời hạn. Sở Kế hoạch kiến nghị thành phố chỉ đạo chủ đầu tư, các đơn vị liên quan tháo gỡ để hoàn thành dứt điểm giải phóng mặt bằng trong quý II/2015, sau đó tổ chức thi công xây lắp, thực hiện quyết liệt để hoàn thành đúng tiến độ thành phố yêu cầu.
Cũng theo Sở Kế hoạch Đầu tư, để đáp ứng nhu cầu vốn của các dự án trọng điểm trong năm 2015, ngân sách thành phố sẽ phải chi trên 6.800 tỷ đồng trong khi thành phố mới bố trí được 2.800 tỷ. Liên ngành Tài chính - Kế hoạch đã nghiên cứu Đề án phát hành trái phiếu xây dựng Thủ đô năm 2015 với tổng số tiền 4.000 tỷ đồng, đợt phát hành đầu dự kiến quý II/2015, khoảng 2.000 tỷ đồng.
Chủ tịch Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thảo cho rằng, nhìn chung các dự án đã được tích cực triển khai từ đầu năm. Tuy nhiên, các công trình thuộc kế hoạch xây dựng cơ bản của năm 2015 tiến độ cơ bản không đạt mục tiêu đề ra, phần lớn đang khó khăn về vốn, giải phóng mặt bằng. Nếu không có những biện pháp kịp thời thì tiến độ khó đạt được.
Ông Thảo yêu cầu, các chủ đầu tư, quận huyện, Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng chú trọng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay, áp dụng những biện pháp đặc thù có lợi nhất cho người dân, khi cần thiết sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định pháp luật. Người đứng đầu thành phố cũng yêu cầu Sở Xây dựng và Sở Tài chính khẩn trương xây dựng đề án mua nhà thương mại làm nhà tái định cư. “Đề án này giải bài toán bán được nhà thương mại và thiếu nhà tái định cư cho các công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố”, Chủ tịch Hà Nội nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.