Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Hậu Brexit”: EU tiếp tục chơi vơi

Quang Huy| 05/07/2016 06:23

(HNM) - Liên minh Châu Âu (EU) vừa trải qua một trong những cú sốc lớn, đó là sự kiện Anh - quốc gia có tiếng nói mạnh mẽ trong khối - tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về việc rời Liên minh EU, còn gọi là Brexit. Cú sốc này không chỉ giáng một đòn mạnh vào Liên minh - trên cả bình diện chính trị và kinh tế - mà còn gây

Thủ lĩnh N.Hofer được cho là có cơ hội trong cuộc bầu cử tổng thống sau phán quyết của Tòa án Hiến pháp Áo.



Ngày 1-7 vừa qua, Tòa án Hiến pháp Áo đưa ra phán quyết buộc phải bầu cử lại tổng thống do phát hiện sai sót trong khâu kiểm phiếu. Trong cuộc bầu cử hồi tháng 5, đại diện đảng Tự do (FPO) Norbert Hofer đã thất bại sát nút trước Alexander Van der Bellen - ứng viên độc lập được đảng Xanh ủng hộ. Thủ lĩnh N.Hofer chỉ kém đối thủ chưa tới 1% số phiếu, tức là chưa đầy 31.000 phiếu bầu. FPO cho rằng có 700.000 phiếu bầu gửi bằng đường bưu điện vào phút cuối không hợp lệ. Chính số lượng phiếu bầu này đã khiến ông N.Hofer từ chỗ dẫn trước, trở thành người "đến sau". Thủ lĩnh FPO phải nhường chức Tổng thống cho ứng cử viên Van der Bellen. Không cam chịu thất bại khi cho rằng 700.000 phiếu qua đường "dây thép" đã bị bóc kiểm trước thời hạn, nhiều phiếu bầu trong số này không hợp lệ, FPO đã kiện lên Tòa án Hiến pháp Áo. Sau khi tiến hành các trình tự tố tụng, Tòa án Hiến pháp Áo ra phán quyết: Quá trình kiểm 700.000 phiếu nêu trên đã vi phạm luật bầu cử và yêu cầu tổ chức lại cuộc bầu cử tổng thống.

Dự báo nước Áo sẽ tiếp tục bị chia rẽ, nhất là trong bối cảnh người Anh vừa tiến hành trưng cầu dân ý về việc rời EU. Nhiều nhà phân tích nhận định:

Nếu bỏ phiếu lại, FPO - đảng chủ trương chống EU, chống người nhập cư sẽ có lợi vì đang được lòng người dân qua các cuộc thăm dò dư luận. Nếu FPO chiến thắng, đó sẽ là một cú nốc ao cho nỗ lực ổn định tình hình của EU. Áo là "tấm gương" phản chiếu đời sống chính trị của cả EU tại thời điểm này. Những gì từng chi phối cuộc bầu cử ở Áo như: người nhập cư, đạo Hồi, khủng bố quốc tế..., cũng đã từng gây mâu thuẫn, chia rẽ trên chính trường nhiều quốc gia Châu Âu. Chính sự bị động và bế tắc của EU trong giải quyết khủng hoảng - trong đó có khủng hoảng nhập cư - đã khiến nhiều nước thành viên phải tìm lối đi riêng để giải quyết tình hình. Trong đó Anh là một ví dụ.

Dấu hiệu “trốn tránh” EU đang hiển hiện tại Áo. Lãnh đạo FPO N.Hofer cảnh báo sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU có thể sẽ dẫn đến những thay đổi "luật chơi" và Chính phủ Áo cũng sẽ phải tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý. Thủ lĩnh N.Hofer cho rằng: “Người Áo sẽ không chấp nhận thành viên Thổ Nhĩ Kỳ trong khối cũng như việc Áo bị tước một phần quyền hạn nào đó ở Brussels”. Tuyên bố của ông N.Hofer đưa ra sau khi Ankara đồng ý giúp Châu Âu giải quyết một phần cuộc khủng hoảng nhập cư với điều kiện EU phải nhanh chóng xem xét để Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập khối. Rõ ràng, những vấn đề về an ninh xuất phát từ Thổ Nhĩ Kỳ đang khiến Áo lo ngại bởi nước này là quốc gia "tiền phương" trong cuộc khủng hoảng nhập cư chưa có hồi kết. Đây là lý do để Áo noi theo Anh - chịu một cuộc "giải phẫu" đau đớn để tách khỏi EU - nhằm khóa chặt biên giới.

Nếu FPO giành chiến thắng tại cuộc bầu cử tổng thống, hậu quả sẽ rất khó lường. Đó sẽ là chiến thắng đem lại niềm tin cho hàng loạt đảng phái thuộc phe cực hữu ở các quốc gia thành viên EU như đảng Sự lựa chọn thay thế cho nước Đức (AfD), đảng Nhân dân Đan Mạch, đảng cực hữu Dân chủ Thụy Điển… Nếu EU không nhanh chóng có được kinh nghiệm cần thiết sau vụ Brexit thì cuộc khủng hoảng chính trị toàn diện sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian và Áo là một khúc quanh lịch sử.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Hậu Brexit”: EU tiếp tục chơi vơi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.